Chờ...

Chưa lúc nào thời cơ cho kinh doanh bất động sản tại TPHCM lớn như bây giờ

(VOH) - Sáng nay 10/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.

Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp kiến nghị về chính sách, thủ tục liên quan đến các dự án trên địa bàn, nêu các kiến nghị về những ách tắc lớn của doanh nghiệp và thị trường bất động sản hiện nay, đồng thời đề xuất UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra…

kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển (Ảnh: LH)

Thị trường bất động sản đang gặp hàng loạt khúc mắc

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, không có lợi cho cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản.

Cụ thể, năm 2018 giảm hơn 22%; 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng hơn 13%.

kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản

Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP – Lê Hoàng Châu nêu các kiến nghị của doanh nghiệp.

Song song đó, Hiệp hội kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các Sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất.

Đối với 24 kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu nêu: “Kiến nghị thứ nhất là của Công ty Cổ phần Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về việc cần thiết quy hoạch các tuyến đường đi bộ trên cao kết nối với ga metro để phát huy hiệu quả khai thác và tăng tiện ích phục vụ nhân dân.

Hiện chưa có chủ trương chung đối với tất cả ga metro là phải được kết nối với dân cư chung quanh, vấn đề này tùy theo từng địa phương. Do đó cần có quy hoạch, giống như Singapore, cứ 1 ga metro được kết nối bằng cầu cạn, kết nối hết các vùng xung quanh rất an toàn, tiện và hiệu quả trong việc sử dụng ga metro”.

Đề cập đến những bất cập về chính sách hiện nay chồng chéo, không khả thi, rất nhiều kiểm toán 2, 3 năm chưa giải quyết được, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP - Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cho rằng, vấn đề này vướng ở tầm Chính phủ, gây ra sự bất an trong doanh nghiệp.

Theo ông, các dự án bất động sản trên địa bàn TP đang bị ngưng trệ, nguồn cung thiếu, các nhà đầu tư bỏ dần TPHCM đi đầu tư ở các tỉnh lẻ. Năm 2019, các doanh nghiệp thận trọng hơn, đăng ký kế hoạch năm đa phần tăng trưởng thấp, thậm chí là tăng trưởng âm đối với thị trường bất động sản TP.

“Khi điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh các thiết kế công trình, luôn luôn trong các quyết định có một câu “tính tiền sử dụng đất bổ sung, mở ngoặc nếu có. Luôn luôn là như vậy. Nhưng ngược lại hiện hay chưa có dự án nào thực hiện được việc này. Tức là công tác thực thi tính tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) khi điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cao tầng, tôi đề nghị TP phải có hướng giải quyết mới giúp được doanh nghiệp đẩy nhanh, nếu không thì không thể mở bán được, không thể nộp thuế được và cũng không thể cấp phép xây dựng được, tức là vướng khá nhiều” – ông Quang kiến nghị.

Thị trường bất động sản huy động vốn nước ngoài, tuy nhiên, tiến độ triển khai thủ tục pháp lý tại các dự án đang chậm trễ do đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều e ngại rủi ro và có tâm lý chờ động thái tích cực từ cơ quan nhà nước.

Đối với 7 dự án của Novaland trên địa bàn quận Phú Nhuận, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án, ông Bùi Xuân Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland đề nghị, UBND TP cho công bố văn bản chỉ đạo giải quyết đối với 7 dự án để người mua nhà yên tâm. Mặt khác, đối với 10 dự án đã được giao đất đầu tư, đến nay tập đoàn đã xây dựng hoàn chỉnh, khách hàng đã vào ở nhưng vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa được duyệt tiền sử dụng đất. Vì vậy, chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho cư dân, luôn xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Ông Bùi Xuân Huy đề xuất: “Chúng tôi kiến nghị UBND TP đẩy nhanh việc xin ý kiến Chính phủ và các bộ ngành để sớm có giải pháp cho các vấn đề còn vướng mắc trong lĩnh vực đất đai của TP mà đã kiến nghị vào tháng 12/2018.

Thứ hai, chúng tôi kiến nghị UBND TP sớm giải tỏa văn bản đã phát hành tháng 12/2018 về việc tạm dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất cho 7 dự án nằm trong địa bàn quận Phú Nhuận. Thứ ba, chúng tôi cũng kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt về giá tiền sử dụng đất của 10 dự án mà chúng tôi đã nộp hồ sơ xin duyệt tiền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường”.

TPHCM sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp

Trước phản ánh, bức xúc của một số doanh nghiệp bất động sản đối với việc đùn đẩy, sợ trách nhiệm của các sở ngành hiện nay, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND TP - Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, hiện nay lãnh đạo TP luôn cân nhắc đối với những yêu cầu đòi hỏi phải chặt chẽ về mặt pháp luật, trong thực tế TP đã có sơ hở. TP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, cũng đã thống nhất là sai ở đâu, xử lý gốc vấn đề ở đó.

“Những vấn đề phát triển, kế thừa, tiếp nối thì nếu chưa phát hiện vấn đề gì vẫn cứ làm bình thường, còn phát hiện được sai phải xử lý từ gốc, sai từ đâu thì xử lý từ đó. Vấn đề này chúng tôi nói như vậy để các sở ngành yên tâm. Nếu chúng ta vì lo sợ, lo lắng suy đoán nghi ngờ mà ngưng lại hết tất cả hoặc kiểm tra từ gốc vấn đề thì không nên” – ông Tuyến cho hay.

Theo ông Tuyến, đối với 124 dự án, những dự án nào thanh tra kết luận có sai, công an thụ lý thì phải dừng lại, còn lại những dự án khác thì tiếp tục triển khai.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, chưa lúc nào thời cơ cho kinh doanh bất động sản trên địa bàn TPHCM lớn như bây giờ, thu nhập đầu người tăng, dân số tăng kéo theo nhu cầu về nhà ở rất lớn ở TP.

kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có quy trình để quản lý nhà nước

Hiện TPHCM có nhà ở kiên cố 38%, còn 60% là bán kiến cố và 2% là nhà tạm, đó là thị trường khổng lồ, vì vậy các doanh nghiệp không nên bi quan.

Theo ông Nhân: “Để công việc thuận lợi hơn, quá trình triển khai các hoạt động bất động sản phải có quy trình liên quan đến quản lý nhà nước. Phải hoàn thiện để làm sao khi bắt đầu khởi động dự án, họ biết chắc đi theo lộ trình qua bao nhiêu sở ngành và cuối cùng tập kết ở đâu. Tôi thấy  nên vẽ lại sơ đồ này bởi có khi luật pháp thay đổi thì đường đi sẽ khác”.

Thị trường chứng khoán 10/4/2019: VN-Index tiếp tục giảm - Phiên giao dịch chiều 10/4, các chỉ số có sự phục hồi nhẹ nhưng vẫn tiếp tục giằng co.

Giá cà phê hôm nay 10/4/2019: Đảo chiều giảm 300 đồng/kg - Giá cà phê hôm nay 10/4/2019 quay đầu giảm từ 100 – 300 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên và Miền Nam.