Trong đó, có không gian trưng bày cà phê Việt Nam với sự góp mặt của các tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn của Việt Nam với hàng trăm gian hàng hội tụ các thương hiệu cà phê uy tín chất lượng hàng đầu...
Cùng chuỗi hoạt động này, Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam tổ chức tham quan các nhà máy chế biến sản xuất cà phê tại Biên Hòa, Đồng Nai; Tổ chức hội nghị giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê trên thế giới; Kêu gọi đầu tư vào ngành cà phê Việt Nam. Chuỗi sự kiện cũng tổ chức giao lưu, gặp gỡ, kết nối kinh doanh giữa các nước trồng cà phê, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước và trên thế giới…
Thông tin tại buổi họp báo vào ngày 1/12 do Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 200 ngàn tấn cà phê mỗi năm phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Việt Nam tuy là nước sản xuất, nhưng tiêu dùng nội địa của Việt Nam rất thấp, trong khi các nước châu Á như Hàn Quốc, mỗi năm tiêu thụ nội địa tăng 7 - 8% so với năm trước.
“Sự kiện này tăng kích cầu tiêu thụ nội địa bởi vì những năm gần đây, tiêu thụ nội địa của chúng ta có phát triển nhưng so với các nước thì vẫn rất thấp. So với các nước sản xuất như Brazil, Indonesia thì họ đều có tiêu thụ nội địa trên 30% sản lượng cà phê của nước họ, còn mình chỉ trên dưới 10 - 12%” - ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam cho hay.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu và các vùng cà phê già đang dần tái canh, làm sao giữ được vị trí là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới cũng là một thách thức. Trong lịch sử ngành cà phê, có nhiều nước đã bị mất ngôi vị.
Việt Nam có ngôi vị này từ năm 2000, là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới và giữ vững ngôi vị này đến nay đã được 10 năm. Tiềm năng xuất khẩu, giá trị gia tăng của cà phê còn rất lớn. Trung bình 1 ký cà phê nhân là 2 đô la Mỹ, tương đương với 1 cốc cà phê. Trong khi đó, nếu pha chế thì có thể ra được 30, 40 cốc cà phê. Như vậy, giá trị của cà phê nằm ở rang xay và phân phối. Trong khi đó, người trồng lại thu về một giá trị rất thấp.
Do đó, trong chính sách của Chính phủ cũng cần đẩy mạnh đầu tư vào rang xay và chế biến sâu, nâng giá trị cà phê. Hiện các nước coi cà phê nhân của Việt Nam là nguyên liệu, thuế nhập khẩu bằng 0%, bảo hộ chế biến.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, chúng ta muốn đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rằng thị trường ở đây là “tiền tươi thóc thật” thì phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này trong cuộc chơi hội nhập mở cửa. Thị trường Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, thế hệ trẻ uống cà phê nhiều hơn uống trà, thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đầu tư”.
Trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đưa thuế nhập khẩu cà phê rang xay Việt Nam xuống 0,5% theo hướng có lộ trình, theo ông Tự, như vậy đầu tư chế biến cà phê rang xay sẽ tăng.
Do đó, Hiệp hội cũng xác định ngành cà phê sẽ đi bằng "hai chân": một là đầy mạnh tiêu thụ trong nước, thứ hai là đẩy mạnh khâu xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan, phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu chủ yếu của cà phê rang xay đạt khoảng 6 tỷ đô la Mỹ trong vòng 10 năm tới.