Chờ...

Chuyện kinh tế 15/3: Thịt nhập khẩu ồ ạt, ngành chăn nuôi lo lắng | Đường Võ Văn Ngân xây dựng chậm tiến độ gây bức xúc

VOH - Giá xăng “lùi một bước, tiến vài bước”; Ngỡ ngàng nợ tín dụng 8.5 triệu đồng thành 8.8 tỷ sau 11 năm; Xu hướng kinh tế “đầu bạc” lên ngôi...

Thịt nhập khẩu ồ ạt, ngành chăn nuôi lo lắng

Việc nhập khẩu (chính ngạch và nhập lậu) ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta hiện nay đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy như gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Đồng thời gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Do đó, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.

So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Thịt nhập ồ ạt
Thịt nhập khẩu ồ ạt, ngành chăn nuôi lo lắng - Ảnh internet

Đường Võ Văn Ngân xây dựng chậm tiến độ gây bức xúc

Đường Võ Văn Ngân đoạn từ đường Đặng Văn Bi đến chợ Thủ Đức được nhà thầu thi công - Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh (Công ty Anh Vinh) xây dựng hệ thống thoát nước (cống hộp 2mx2m) từ năm 2020. Tuy nhiên, dự án chậm hơn kế hoạch, đường sá hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Lý do dẫn tới việc này do nhà thầu xây dựng ì ạch, không chủ động đẩy nhanh tiến độ, liên tục vi phạm, quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, sinh hoạt và kinh doanh của người dân.

Việc này còn gây phản cảm, bức xúc dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư của dự án. Bên cạnh đó, việc xây dựng tại đây gặp nhiều khó khăn do phải lắp đặt cống hộp có kích thước lớn với địa hình dốc, có nước ngầm. Đồng thời phải đào các hố sâu, mặt bằng hẹp, vướng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (phải mất nhiều thời gian để phối hợp khảo sát và thống nhất phương án xử lý) cùng lượng xe cộ đông đúc.

Ban QLDA đã báo cáo Sở Xây dựng và UBND TP Thủ Đức về việc chấm dứt hợp đồng xây dựng công trình đối với Công ty cổ phần Anh Vinh.  Ban QLDA đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình.  Nhà thầu mới đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước và các hạng mục còn lại khác của công trình. Nhà thầu tập trung đẩy nhanh xây dựng. Dự kiến hoàn thành công trình đường Võ Văn Ngân trước ngày 30-4.

Đường Võ Văn Ngân xây dựng
Đường Võ Văn Ngân xây dựng chậm tiến độ gây bức xúc - Nguồn Internet

Giá xăng “lùi một bước, tiến vài bước”

Xăng E5RON92 có giá 22.490 đồng/lít, sau khi giảm 20 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành; xăng RON95-3 ở mức 23.540 đồng/lít, sau khi giảm 10 đồng/lít. Trong khi đó các mặt hàng dầu tăng giá trở lại nhưng ở mức thấp.

Theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành xăng dầu trên chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: thị trường gia tăng lo ngại Trung Quốc khó có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng, kéo theo nhu cầu sử dụng dầu có thể thấp hơn dự báo, có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào thị trường vàng và tiền số, quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn…

Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là tăng nhẹ dầu các loại.

Như vậy kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có tới sáu phiên tăng và sáu phiên giảm.

Ngỡ ngàng nợ tín dụng 8.5 triệu đồng thành 8.8 tỷ sau 11 năm

Hiện trên các trang mạng xã hội hiện đang lan truyền công văn nhắc nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC).

Theo nội dung công văn, Eximbank AMC thông báo đến khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh về khoản nợ trị giá trên 8,83 tỷ đồng. Điều đáng nói, dư nợ thẻ tín dụng gốc của người này chỉ là chỉ 8,55 triệu đồng.

Khoản nợ của ông P.H.A tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã quá hạn toàn bộ với tổng số tiền phải thanh toán tạm tính đến ngày 31/10/2023 là hơn 8,83 tỷ đồng.

Eximbank cho biết đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.

Việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.

Eximbank cho biết đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.

Xu hướng kinh tế “đầu bạc” lên ngôi

Xu hướng già hóa dân số đang là bài toàn hóc búa mà nhiều quốc gia đã và đang bắt đầu phải đối mặt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2020, số lượng người trên 60 tuổi đã vượt qua số trẻ em dưới 5 tuổi.

Thực trạng già hóa dân số trên toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phải có những thay đổi mạnh mẽ, với các khu vực kinh tế “đầu bạc” sẽ ngày càng mở rộng và phát triển. Không chỉ thị trường lao động buộc phải chuyển dịch theo hướng các ngành nghề phải mở rộng cánh cửa việc làm cho người lao động lớn tuổi mà doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn cho thế hệ “đầu bạc”.

Theo một số dự báo, chi tiêu của người cao tuổi dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong thập niên tới. Theo đó, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số... sẽ chịu tác động lớn nhất, nhưng đồng thời các ngành này cũng đứng trước cơ hội lớn nhất để mở rộng phân khúc khách hàng và tiện ích phục vụ cuộc sống của người cao tuổi. Nhiều quốc gia đã bắt đầu có chiến lược chuyển dịch nền kinh tế, tìm kiếm động lực phát triển ở thế hệ “đầu bạc”.