Tìm cách hạ nhiệt thị trường vàng
Việc giao dịch trái chiều của thị trường trong nước đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng các thương hiệu khác. Kể từ khi SJC trở thành thương hiệu vàng miếng độc quyền được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước thì đã không có thêm lượng vàng SJC nào được dập mới đưa ra thị trường.
Sự mất cân đối cung cầu, trong bối cảnh giá vàng thế giới neo ở mức cao... khiến giá vàng miếng SJC, từ cuối năm 2023, đã liên tục duy trì khoảng cách từ 15 - 20 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Do đó, giải pháp trước mắt là cân đối cung cầu trên thị trường vàng.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Về giải pháp ngắn hạn, chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép nhập khẩu vàng, hoặc là Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Việc này sẽ làm tăng nguồn cung vàng SJC, từ đó, giá có thể giảm xuống. Thứ 2, thay vì mất lượng ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc nhập khẩu vàng và đáp ứng được nguồn cung".
Cũng theo các chuyên gia, nên ứng xử với vàng như một loại hàng hóa đặc biệt, để có các giải pháp quản lý phù hợp. Khi giải quyết được bài toán cung cầu, giá vàng trong nước có thể biến động theo đà tăng giảm trên thị trường thế giới, nhưng sẽ giải được bài toán chênh lệch giá hiện nay.
Tại sao phải giữ chân các “ông lớn” công nghệ tại Việt Nam?
Các tập đoàn bán dẫn lớn có xu hướng mở rộng đầu tư ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác để giảm thiểu rủi ro (hiện tập trung ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản). Các nhà đầu tư bán dẫn lớn thấy Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để đầu tư lâu dài.
Thứ nhất là môi trường chính trị ổn định và có nguồn nhân lực dồi dào, có thể trở thành nhân lực chất lượng cao nếu được đào tạo cơ bản.
Thứ hai, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi có một nguồn năng lượng ổn định và sạch, Việt Nam đủ điều kiện để phát triển nguồn năng lượng này.
Thứ ba, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 42 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn nếu chúng ta có chính sách khai thác, tinh luyện tốt sẽ tạo nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành bán dẫn phát triển.
Thứ tư, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn mới của thế giới trong chiến lược Đài Loan+1, Hàn Quốc+1 của các tập đoàn bán dẫn đa quốc gia. Nhiều tập đoàn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua.
Việc giữ chân và thu hút thêm các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam đầu tư sẽ được nhiều lợi ích khi họ mang theo nguồn vốn lớn, tạo nhiều việc làm ở phân khúc công nghệ cao, lương cao, chúng ta cũng thu được thuế và hội nhập nhanh hơn vào kinh tế toàn cầu.
Một lợi ích lâu dài khác là chính các tập đoàn công nghệ lớn sẽ giúp Việt Nam có được nguồn lao động có trình độ, kỹ năng cao trong quá trình vận hành các nhà máy tại Việt Nam. Các tập đoàn này cũng mang theo kỹ năng quản trị tốt đến Việt Nam, tạo lan tỏa, giúp các doanh nghiệp nội địa cải thiện quản trị.
Hiệp hội Doanh nghiệp nói gì về thuế tối thiểu toàn cầu
Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ: Trong bối cảnh Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1-2024, áp thuế 15% với các tập đoàn đa quốc gia có quy mô vốn trên 750 triệu euro thì việc giữ chân nhà đầu tư công nghệ lớn trở nên gấp gáp hơn.
Việc áp thuế 15% sẽ làm chúng ta mất lợi thuế về ưu đãi thuế lâu nay. Hiện Chính phủ đã giao các bộ ngành xây dựng cơ chế áp thuế đi kèm với cơ chế ưu đãi đầu tư để giữ chân nhà đầu tư.
Cái khó lớn nhất trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam là nội luật không kịp thay đổi khi để sửa một luật cần nhiều kỳ họp Quốc hội để thông qua. Vì thế, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết về việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu để có thể thích ứng kịp thời.
Việc cần lúc này là Chính phủ cần sớm có giải pháp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu cho các nhà đầu tư. Bởi các nhà đầu tư FDI lớn ở Việt Nam hiện đang đóng thuế ở ngưỡng từ 7 - 10%/năm, nếu áp thuế 15% thì số thuế nhà đầu tư phải đóng thêm rất lớn. Nếu không đóng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thì nhà đầu tư vẫn phải đóng ở bản quốc. Vì thế, cần có giải pháp để bù đắp, hỗ trợ họ gắn bó.
Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư FDI có quy mô đầu tư lớn như hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ...
Ngập tràn khuyến mãi dịp 8-3
Ngày 5-3, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) với các chuỗi như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket cho biết toàn bộ hơn 800 điểm bán trên toàn quốc của hệ thống sẽ đồng loạt triển khai chương trình "Sale ngập tràn – Dành tặng nàng" nhằm chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.
Cụ thể, từ nay đến ngày 13-3, các siêu thị, cửa hàng giảm giá mạnh hàng ngàn mặt hàng đặc trưng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của chị em phụ nữ bao gồm: từ kem dưỡng da, sữa rửa mặt, nước tẩy trang, nước hoa hồng, bông tẩy trang, sữa tắm, dầu gội đầu, sữa dưỡng thể, kem đánh răng…
Các siêu thị đã bắt đầu trưng bày và giảm giá các mặt hàng hoa tươi, đặc biệt là hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa ly… dành cho mùa 8-3 để khách hàng chọn lựa làm quà cho người thân.
Đồng thời, vào các ngày 8, 9 và 10-3, chương trình "Lan tỏa 3.500 nụ cười" mang đến 3.500 giỏ quà sức khỏe và chăm sóc phái đẹp, bao gồm các sản phẩm như: rau xanh, trái cây, các thực phẩm dinh dưỡng (gạo lứt, bột ngũ cốc, mật ong, trà, sữa…) cho khách hàng nữ may mắn mua sắm trong các khung giờ vàng.
TP HCM tập trung hoàn thành dự án chợ Bến Thành
UBND TP.HCM vừa có văn bản đốc thúc các sở ngành, quận 1 hoàn tất các thủ tục để khởi công cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành và chỉnh trang chợ Bến Thành ngày 1-10-2024, hoàn thành trước ngày 30-4-2025.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP rà soát việc bố trí một số điểm dừng đón trả khách cho phương tiện giao thông công cộng phù hợp, thuận tiện phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan mua sắm của người dân và du khách tại khu vực chợ Bến Thành.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện phương án chỉnh trang gắn với cải tạo đồng bộ từ khu vực đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi đến công viên 23-9. Tổ chức kết nối, phân luồng giao thông tại khu vực bảo đảm an toàn, nhất là xem xét bố trí một số điểm dừng đón, trả khách của các phương tiện giao thông công cộng.
Nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và tham khảo, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, quy hoạch, nghiên cứu thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị, các nguyên lãnh đạo TP các thời kỳ và người dân để tiếp thu, hoàn chỉnh phương án thực hiện phù hợp thực trạng và việc triển khai theo quy hoạch chung.
Quan tâm xem xét kỹ việc phục dựng, vị trí đặt tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang phải phù hợp bối cảnh, tương xứng, hài hòa với cảnh quan trong khu vực.
Nguyên nhân nguồn cung căn hộ ở TP HCM thấp nhất trong 10 năm qua
Nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP. Hồ Chí Minh trong năm nay dự kiến khó cải thiện so với năm 2023 và xuống mức thấp nhất 10 năm qua. Thông tin này vừa được công ty nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam công bố. Đáng chú ý, giá bán vẫn ghi nhận tăng trưởng, vượt xa khả năng của đại đa số người có nhu cầu mua. Hiện mức giá trung bình đối với các dự án mới mở bán tại TP. Hồ Chí Minh rơi vào khoảng 75 triệu đồng/m2. Trong khi 80% nhu cầu thị trường chỉ quanh mức 25 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân được đưa ra liên quan đến hai nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý gặp một số khó khăn về định giá, tính tiền sử dụng đất. Thứ hai là dự án đang xin chấp thuận chủ trương chủ đầu tư nhưng lại không có đất ở. Việc công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mà chưa có đất ở trong đó vẫn tiếp tục là rào cản lớn đối với nguồn cung trong năm 2024. Đa số dự án tại TP.Hồ Chí Minh rất khó đất có nguồn gốc đất ở trong dự án của họ. Điều này dẫn đến giá bán đang tăng trưởng dương đối với tất cả các sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp.
Thời điểm hiện nay nếu xem xét về các phân khúc, hầu hết các sản phẩm mới được đưa ra thị trường chủ yếu là hạng sang và cao cấp. Nguồn sản phẩm tầm trung gần như không có nhiều hoặc có đi chăng nữa thì nó đã có mức giá cao hơn trước đây rất nhiều. Việc phát triển chậm về mặt hạ tầng kết nối nên hầu như người dân đều cố gắng tập trung vào khu vực trung tâm nên các quỹ đất còn lại ở trung tâm hầu như sẽ tập trung phát triển các sản phẩm giá trị cao. Bên cạnh đó các chủ đầu tư tìm kiếm quỹ đất giá rẻ tại các tỉnh, thành lân cận TP. Hồ Chí Minh để phát triển dự án. Điều này càng khiến cho TP. Hồ Chí Minh thiếu các dự án mới và mức độ chênh lệch cung - cung cầu ngày càng rõ nét hơn.