Hiện các doanh nghiệp đang tìm thị trường khác để thay thế thị trường này. Tại Diễn đàn xuất khẩu và Kết nối doanh nghiệp ngành Rau, Hoa, Quả chiều ngày 26/2, các doanh nghiệp đánh giá tiềm năng, cơ hội khi xuất khẩu vào thị trường Thái Lan.
Tại Diễn đàn xuất khẩu và Kết nối doanh nghiệp ngành Rau, Hoa, Quả chiều 26/2
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay tại Trung Quốc, thì thị trường thay thế xuất khẩu trái cây của Việt Nam được xem là tiềm năng đó là các nước Đông Nam Á, trong đó Thái Lan được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn.
Phân tích về thị trường này, bà Trần Thị Thanh Mỹ, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, với diện tích khoảng 513 ngàn km, tương đương hơn 51 triệu hecta, trong đó, 40% diện tích của Thái Lan dành cho nông nghiệp. Với diện tích dành cho hoa màu khoảng 450 ngàn hecta, diện tích dành cho cây ăn trái khoảng 1,2 triệu hecta, hơn 10 triệu hecta dành cho trồng lúa. Trong đó, có hơn 1.000 các loại cây ăn quả.
Năm 2019, xuất khẩu hoa quả tươi và chế biến của nước này khoảng 3,6 tỷ đô la Mỹ, vượt kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, Thái Lan nhập cũng hơn 3 tỉ tấn hoa quả với giá trị khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Qua đó có thể thấy, lượng tiêu thụ trong nước của Thái Lan chỉ có 40%, 20% là xuất khẩu và 20% dành cho các ngành cần đầu vào.
“Hiện nay, chúng tôi đánh giá là Thái Lan có lợi thế nhất định dành cho các loại hoa củ quả nhập khẩu. Thứ nhất, Thái lan được coi là trung tâm chế biến thực phẩm của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, với sự thay đổi hành vi và người tiêu dùng, người ta cũng rất cần đa dạng hóa các nguồn trong đó có nguồn nhập khẩu. Thứ hai, riêng thị trường Băng-Cốc năm 2019 đón tới 3,9 triệu lượt khách du lịch và chúng tôi coi đó không chỉ lượng khách hàng tiêu thụ, họ thực chất là đội ngũ quảng bá rau hoa quả của chúng ta khi xuất hiện tại thị trường Thái Lan” – bà Mỹ phân tích.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, từ 2014-2019, diện tích trái cây Việt Nam tăng khoảng 200 ngàn hecta. Hiện nay, ĐBSCL chiếm 34,5% vùng sản xuất, đây là vựa trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam xuất siêu rau quả chỉ 1,2 tỉ đô la Mỹ, đến nay đã đạt 2 tỉ đô la Mỹ. Đây là bước tiến lớn của ngành rau quả Việt Nam và đây cũng là ngành có xuất siêu ổn định và có lợi thế đối với Việt Nam.
Các doanh nghiệp trao đổi cơ hội xuất khẩu
Hiện có 10 thị trường xuất khẩu trái cây hàng đầu của Việt Nam tuy nhiên tập trung chủ yếu ở Trung Quốc hơn 3 tỉ đô la Mỹ, ngoài ra còn có Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia. Một số loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam là xoài, chuối, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, bơ, cam… Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cho biết thêm:
“Dự báo đến năm 2021, thị trường rau hoa quả có tốc độ tăng trưởng vẫn 2,8%. Từ đó, chúng tôi cho rằng có một số định hướng chung: Thứ nhất trồng thay thế cải tạo và trồng xen bằng những giống cây ăn quả lợi thế và xuất khẩu thị trường. Thứ hai là tập trung nâng cao năng suất và giảm giá thành và sản xuất an toàn; thứ ba là đẩy mạnh sản xuất giải vụ cũng như nâng cao năng lực bảo quản, chế biến và chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Trên cơ sở đó, định hướng đến năm 2030 chúng ta ổn định 1,1 triệu hecta, không tham về mặt xuất khẩu và về tổng diện tích mà tập trung vào vùng sản xuất an toàn để kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp”.
Những năm qua, quy mô sản xuất, năng suất và sản lượng rau, hoa, quả đều tăng trung bình trên 5%/năm. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của nhóm rau, hoa, quả của Việt Nam đã tăng thêm 30% trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ngành rau, hoa, quả Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức như hạn chế về đầu tư, thiếu công nghệ sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ bấp bênh.
“Hàng của mình làm trong nước cho “ngon lành” đã, có thương hiệu trong nước rồi lúc đó mới đem đi xuất khẩu. Thứ hai là điểm yếu là công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tức là hàng xuất đi Mỹ và châu Âu toàn bằng máy bay vì đa số không thể bảo quản hàng được như xoài, thanh long...Đó là điểm yếu khiến hàng của chúng ta không thể đi bằng tàu và nếu không đi được bằng tàu thì số lượng ít và giá thành cao. Nếu làm tốt công nghệ bảo quản sau thu hoạch thì ngành rau hoa quả của chúng ta sẽ rất phát triển” – ông Nguyên khẳng định.