Đánh thức du lịch Việt Nam qua xúc tiến quảng bá

(VOH) - Năm 2017, Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều cơ sở để hoàn toàn tin tưởng mục tiêu này sẽ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Kỳ vọng vào web chuyên cho du lịch

Tổng cục du lịch vừa công bố trang web tiếng Anh dành riêng cho việc quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè và khách du lịch quốc tế. Trang web Vietnamtourism.vn sẽ là địa chỉ để ngành du lịch thực hiện các chiến dịch tiếp thị trực tuyến, một hoạt động quan trọng trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Trang web Vietnamtourism.vn. Ảnh chụp màn hình

Trang web này được những người làm trong ngành kỳ vọng sẽ mở ra một không gian mới cho quảng bá du lịch Việt Nam với cộng đồng mạng. Trang web được thiết kế với giao diện theo hướng mở, hiện đại, dễ tương thích với các thiết bị công nghệ điện tử cầm tay, đăng tải các hình ảnh, bài viết về các điểm đến chọn lọc.

Điều đặc biệt nữa là những bài viết này phần lớn do chính các blogger nổi tiếng và những du khách nước ngoài giới thiệu. Với hình thức này, hiệu ứng và mức lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều đối với những người yêu thích khám phá.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung trang web này để giới thiệu, quảng bá cho thị trường nước ngoài mà chủ yếu là thị trường nói tiếng Anh. Sau khi ra mắt, chúng tôi sẽ xem xét vừa tập trung truyền thông để nhiều người cùng biết về trang web nay. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để xây dựng một phiên bản khác vốn là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.”.

Quảng bá du lịch chưa hiệu quả

Đây không phải là lần đầu tiên ngành du lịch thực hiện tiếp thị trực tuyến hình ảnh, sản phẩm du lịch của mình thông qua một kênh chính thức. Đầu năm 2015, ngành du lịch ra mắt kênh quảng bá hình ảnh trên youtube, song kênh này cũng như facebook của Tổng cục du lịch hoạt động chưa hiệu quả, khi hình ảnh và thông tin đưa lên kém phong phú, lượng người truy cập thấp khi hầu như các clip chỉ đạt con số vài trăm.

Việc đầu tư, khai thác hình ảnh chưa có chiều sâu, thiếu cảm xúc để gây sự hấp dẫn, hứng thú đối với người xem. Ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện một công ty du lịch, cho hay: “Nếu chỉ sa đà vào giá trị cốt lõi lại không hút người xem. Đôi khi chỉ những câu chuyện đơn giản hay tình tiết nhỏ thì lại hấp dẫn người xem và thích đi du lịch. Điển hình giao thông Việt Nam hiện khá lộn xộn nhưng nếu có ý tưởng tốt thì biến giao thông thành yếu tố hấp dẫn, thử thách”.

Du khách quốc tế tại Hà Nội (Ảnh: K.H)

Thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được đánh giá là đa dạng, phong phú và hấp dẫn không thua Thái Lan, Myanmar, Malaysia nhưng việc thu hút du khách quốc tế của nước ta luôn kém hơn nước bạn. Nguyên nhân được chỉ ra là công tác xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư tương xứng, kinh phí thấp, hoạt động xúc tiến được làm nhỏ lẻ và manh mún, cục bộ.

PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta bắt đầu xúc tiến du lịch Việt Nam chính thức từ năm 2000, được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mỗi năm chỉ vào khoảng 2000 USD. So với nhiều nước trong khu vực thì số tiền này quá khiêm tốn, nhưng cái quan trọng nhất là làm có hiệu quả không. Có lẽ chúng ta đang đứng ở tầng rất thấp so với nhiều nước trong khu vực”.

Thu hút du khách quốc tế ngày càng tăng là mục tiêu mà ngành du lịch các nước đều hướng tới, bởi sự gia tăng đó đi cùng với nguồn thu ngoại tệ cũng sẽ tăng. Đối với Việt Nam, mục tiêu được đặt ra trong năm nay là sẽ đón 11,5 triệu lượt du khách quốc tế, trong đó thị trường trọng điểm là Tây Âu, Đông Bắc Á, Úc, Ấn Độ…

Yếu tố thuận lợi để dễ dàng hoàn thành mục tiêu này, chính là việc nước ta triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân 40 nước trên thế giới. Cùng với các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch thông qua nhiều hình thức khác nhau cũng sẽ là những nhân tố góp phần giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.