Dấu ấn kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 dưới góc nhìn chuyên gia

(VOH) – Năm 2022 kinh tế Việt có nhiều điểm nhấn vượt trội so với các năm trước. Năm 2023, dự báo Việt Nam sẽ là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế tối màu của thế giới.

Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022

Tình hình kinh tế thế giới năm 2022 gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, hạn hán diễn ra ở châu Âu và Trung Quốc. Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến giá dầu, giá lương thực bị đẩy lên cao dẫn đến nhiều hệ luỵ chi phối nền kinh tế trên toàn thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới 7 lần và lần cuối mức tăng trưởng chỉ còn ở mức 2,7%.

Tình hình lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong tình hình đó Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%.

a
CPI bình quân năm 2022 tăng 2,73% so với bình quân năm 2021.

Nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 giúp GDP năm 2022 tăng 8,02%, mức cao nhất giai đoạn 2011-2022.

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt tại 3 lĩnh vực (nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, dịch vụ tăng 9,99%).

Việt Nam có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Nỗ lực chế biến bã cà phê thành vải và chế biến các sản phẩm từ quả bưởi, từ quả dừa ra những sản phẩm có thể xuất khẩu được.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 dưới góc nhìn chuyên gia 2
Việt Nam hoàn thành vượt mức hầu hết 14/15 các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm 2022 - Ảnh: HN

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây là năm đầu tiên trong 3 năm qua Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết 14/15 các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt xuất siêu cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay. 

Quá trình phục hồi sau đại dịch đã giúp Việt Nam có sự gia tăng, cải thiện về vị trí xếp hạng. IMF dự báo quy mô GDP của Việt Nam trong năm 2022 đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 35 trên toàn thế giới.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, bên cạnh những điểm sáng kinh tế so với 2 năm trước, thị trường chứng khoán hiện đang trầm lắng, thậm chí thị trường trái phiếu trì trệ và có sự sụt giảm mạnh trong năm 2022.

Cuối năm, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày và chế biến gỗ có xu hướng bị thu hẹp thị phần, giảm đơn đặt hàng. Các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giãn thợ, thậm chí cho lao động nghỉ việc dài ngày.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 dưới góc nhìn chuyên gia 1
Nền kinh tế phục hồi sau Covid giúp GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% - Ảnh: MP

Triển vọng kinh tế cho doanh nghiệp Việt năm 2023

Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, thị phần tổng cầu giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng và căng thẳng xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, khó đoán. Điều này sẽ kéo tăng trưởng chậm theo, dẫu Việt Nam đang là nước "giữ phong độ" tốt nhất khu vực châu Á.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trước thực trạng trên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng, bám sát tình hình và dự báo được thị trường trong lĩnh vực của mình để chủ động nhiều kịch bản.

Vấn đề lãi suất cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãi suất huy động vẫn đang tăng cao và lãi suất cho vay cũng sẽ được tăng lên.

“Tình trạng lạm phát cao, kể cả trong nước và nước ngoài cũng chưa được cải thiện căn bản, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục đè lên doanh nghiệp. Kế hoạch kinh tế cần phải chú ý tới các yếu tố liên quan đến vấn đề lạm phát, vấn đề tỷ giá và các vấn đề đứt gãy của chuỗi cung ứng, thu hẹp của các thị trường” – TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 dưới góc nhìn chuyên gia 4
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều. 

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, “năm 2023 kinh tế thế giới sẽ tiếp tục biến động, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế và thị trường. Tìm kiếm các thị trường mới nếu như các thị trường truyền thống trở nên mất ổn định”. 

Ông Doanh đề xuất doanh nghiệp Việt tìm đến thị trường ở các nước Trung Đông, Nam Mỹ và Châu Phi. Đối với những thị trường truyền thống đang có quan hệ tốt như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tiếp tục xuất khẩu đạt hiệu quả.

"Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do và đang có quan hệ xuất nhập khẩu tốt với 59 thị trường trên thế giới, đây là ưu điểm quan trọng đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023" - TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Đăng Doanh tỷ lệ giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam những mặt hàng điện tử đang còn khiêm tốn và Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy sản dưới dạng thô chứ chưa được chế biến sâu. Ở lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt có thể tiếp tục nâng cao sản xuất trong năm tới.

Về lĩnh vực xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, năm 2023 nguồn cung xăng dầu sẽ khan hiếm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần với dầu Nga từ ngày 1/2. Đây là động thái đáp trả của Nga với G7 và Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Ruệ, nền kinh tế Trung Quốc đang khôi phục lại sau thời gian dài đóng cửa để thực hiện chiến lược "Zero Covid", khi đó nhu cầu tiêu thụ xăng dầu toàn cầu sẽ rất cao, báo động nguồn cung thiếu. Đặt ra những thách thức rất lớn với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chính sách kịp thời và sát thực tế từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Bình luận