Dấu ấn mang tên Vinamilk trong sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Việt Nam

(VOH) - Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 405.000 bò sữa, cho sản lượng gần 1,2 triệu tấn sữa tươi mỗi năm.

Hiện nay, Việt Nam cũng là quốc gia đang sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Global G.A.P. lớn nhất của Châu Á (thuộc Vinamilk).

Để có được những kết quả ấn tượng đó, không thể không kể đến sự tham gia xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp sữa Việt.

Dấu ấn mang tên Vinamilk trong sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Việt Nam

Trang trại bò sữa Organic chuẩn châu Âu đầu tiên của Việt Nam tại Đà Lạt được Vinamilk đầu tư quy mô ban đầu là 500 con bò sữa hữu cơ được nhập khẩu.

Định hướng đúng từ bước đi đầu tiên

Để đưa tên doanh nghiệp sữa Việt Nam vào Top 50 công ty sữa lớn trên thế giới qua 4 thập kỷ hoạt động, một trong những quyết định đắt giá nhất của công ty sữa có giá trị tỷ đô này chính là tư duy đầu tư vùng nguyên liệu từ rất sớm, ngay từ đầu thập niên 90.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk đã từng chia sẻ: “Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Điều này sẽ giúp chúng ta tự chủ nguyên liệu thì tự chủ mọi thứ, tự chủ về giá thành. Nói không quá thì nếu không có vùng nguyên liệu, có lẽ sẽ không có Vinamilk ngày nay”.

Giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất từ 1975 - 1986 là khoảng thời gian khó khăn về mọi mặt của đất nước. Nhưng ngay từ lúc đó, đại diện Vinamilk cho biết công ty đã có định hướng rõ ràng, đó là phải thay thế nguyên liệu nhập khẩu, tức là phải phát triển đàn bò sữa trong nước. Năm 1991, công ty này đã cụ thể hóa bằng việc chủ động nguyên liệu sản xuất bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, “cuộc cách mạng sữa” hay còn gọi là cuộc “cách mạng trắng” ra đời. Đến năm 2005, Vinamilk bắt đầu giai đoạn xây dựng trang trại tập trung, công nghệ cao với sự ra đời của trang trại đầu tiên tại tỉnh Tuyên Quang.

Cuộc “cách mạng trắng” này khó khăn, bởi trước hết chăn nuôi bò sữa không phải là thế mạnh truyền thống của Việt Nam, nông dân không có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, hơn nữa, khí hậu Việt Nam không phải là nơi thích hợp chăn nuôi bò sữa (cần mát, độ ẩm thấp). Nhưng đến nay, Vinamilk đã có 12 trang trại trải dài khắp cả nước. Ngoài ra, theo chính sách tam nông, việc hợp tác chặt chẽ với người nông dân chăn nuôi bò sữa tại các địa phương đã giúp nâng tổng số đàn bò từ 3.000 con năm 1991 lên 113.000 con năm 2015 và đến nay là 130.000 con, năng suất sữa của đàn bò Vinamilk được cho biết là không thua kém các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là ngay cả với các quốc gia vốn là quê hương của ngành chăn nuôi bò sữa.  

Dấu ấn mang tên Vinamilk trong sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Việt Nam

Đàn bò sữa A2 thuần chủng đã được nhập về Việt Nam và hiện đang sinh trưởng tốt tại Tổ hợp Trang trại công nghệ cao tại Thanh Hóa của Vinamilk.

Phát huy nội lực giúp thay đổi ngành sữa

Xây dựng ngành bò sữa không là câu chuyện đơn giản bởi đầu tư trang trại bò sữa đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian đầu tư cải tạo lâu. Trong khi đó, những rủi ro về chăn nuôi, thị trường, lãi suất… luôn là thách thức thường trực cho doanh nghiệp. Hơn nữa, phát triển chăn nuôi bò sữa tại vùng nhiệt đới vốn dĩ không thích hợp lại càng làm cho rủi ro cao hơn.

Dù là bài toán đầy thách thức, nhưng bằng sự đầu tư bài bản và chủ động ứng dụng công nghệ cao, thì doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng biến những thách thức đó thành những cơ hội để tạo ra những sự phát triển vượt bậc. Và thực tế sự phát triển của Vinamilk đã chứng minh ngành chăn nuôi bò sữa dù không phải là thế mạnh của một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, nhưng vẫn có thể tạo ra những cột mốc phát triển mạnh mẽ nhờ vào những bước đi chắc chắn trong việc đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại. Tháng 3-2019 vừa qua, công ty này tiếp tục giới thiệu mô hình “Resort” bò sữa với trang trại tại Tây Ninh. Được biết, đây là cách mà doanh nghiệp này muốn đặt ra tiêu chuẩn cho mình khi phát triển trang trại như các resort cho bò sữa và giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp sữa Việt Nam.

Giải quyết bài toán chất lượng sữa tươi theo chuẩn quốc tế

Sau khi bắt tay vào xây dựng trang trại đầu tiên năm 2005, đại diện doanh nghiệp này cho biết đó cũng là thời điểm ngành sữa Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực khi nhận thức cua cộng đồng về bổ sung dinh dưỡng từ sữa tăng lên. Việc ngành sữa ngày càng phát triển đã mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức cho doanh nghiệp khi không chỉ cần sản lượng mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe hơn.

Đó cũng là thời điểm Vinamilk chính thức được Tổ chức ConTrol Union trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực Hành Nông Nghiệp Tốt Toàn cầu (Global G.A.P.) cho trang trại tại Nghệ An. Đây cũng là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P. chứng nhận.

Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu một chặng đường mới cho chiến lược phát triển trang trại của Vinamilk trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Định hướng này thực sự được hiện thực hóa khi đến nay, Vinamilk là công ty sữa của Việt Nam sở hữu Hệ thống trang trại chuẩn Global G.A.P. lớn nhất châu Á về số lượng trang trại.

Dấu ấn mang tên Vinamilk trong sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Việt Nam

Vinamilk nhận xác nhận hệ thống trang trại chuẩn Global G.A.P. lớn nhất Châu Á về số lượng trang trại.

Cũng nằm trong chiến lược này, xu hướng hữu cơ (organic) cũng được doanh nghiệp này đón đầu. Vinamilk đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt vào tháng 3-2017. Đây là trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn Organic Châu Âu do Tổ chức Control Union chứng nhận đưa sản phẩm sữa organic gần với người dân Việt Nam hơn.

Tiếp đó, tháng 6/2018, lần đầu tiên tại Việt Nam, bò sữa A2 thuần chủng từ New Zealand được nhập khẩu về Việt Nam trong hệ thống trang trại bò sữa của Vinamilk. Chỉ 1 tháng sau đó, lô sữa đầu tiên của thế hệ bò sữa A2 của Vinamilk sản xuất đã được tung ra thị trường. Theo đó, sữa A2 nguyên chất được Vinamilk sản xuất, cung cấp ra thị trường dưới hình thức sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng.

Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiêu dùng sản phẩm sữa tươi theo tiêu chuẩn quốc tế, giá thành ổn định. Sản phẩm sữa Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận thị trường thế giới, tăng cường xuất khẩu. Điều này quay trở lại sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển để mang đến những sản phẩm chất lượng. Đây là chuỗi giá trị mà chiến lược phát triển vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp như Vinamilk đang thực hiện mang lại cho ngành sữa cũng như nền kinh tế nói chung, góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân và chất lượng sản phẩm dinh dưỡng cho người tiêu dùng trực tiếp.

Bình luận