Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp

(VOH) – Sáng 20/4, tại TPHCM Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Viện Kinh tế Xanh và trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp”.

Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, đấu giá nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất, mục tiêu cuối cùng không phải là thu càng nhiều tiền càng tốt mà vấn đề là phát triển như thế nào để có cơ chế chính sách được lợi cả hai bên: Nhà nước và nhà đầu tư. Hiện nay, quy định nộp tiền trúng đấu giá mỗi địa phương một kiểu. Quy định pháp luật và việc áp dụng các quy định về việc nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất này tại các địa phương đang không thống nhất. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản hiện nay hạn chế, thì việc đấu giá quyền sử dụng đất là giải pháp duy nhất để thúc đẩy đầu tư. Tuy nhiên, cần lựa chọn nhà đầu tư phải đúng và trúng.

hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp”.
Quang cảnh hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp”

Không chỉ Thủ Thiêm, các dự án giao thông, hạ tầng đô thị đang và sẽ được triển khai tại TP.HCM và cả nước sẽ tạo ra quỹ đất công lớn để các địa phương có thể đấu giá, mang về nguồn thu hiệu quả cho Ngân sách, qua đó đầu tư cho các hoạt động, dự án, dịch vụ công.

“Đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường ở các quốc gia trên thế giới. Ở các nước phát triển thì hoạt động đấu giá hình thành hàng trăm năm với nhiều loại tài sản thuộc cá nhân, tổ chức được đưa ra bán đấu giá thành công với giá trị trúng rất cao có khi gấp hàng chục, trăm, thậm chí hàng ngàn lần so với giá khởi điểm. Ở nước ta, tài sản đấu giá hầu hết là tài sản công, chiếm đến 90%, trong khi các tài sản cá nhân, tổ chức đưa ra bán đấu giá chưa nhiều”- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục công tác phía Nam – Bộ Tư pháp thông tin thêm.

Theo ông Mai Ngọc Phước- Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM, nếu hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra minh bạch, hiệu quả, thượng tôn pháp Luật thì người dân, doanh nghiệp, nhà nước đều hưởng lợi. Luật Đất đai 2013, Luật Đấu giá Tài sản đã tạo ra các nền tảng pháp lý để việc đấu giá quyền sử dụng đất được hiệu quả nhất.

“Tuy nhiên, khi hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trở nên sôi động hơn, với sự tham gia của nhiều đơn vị hơn. Đồng thời, trước những vận động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến quyền sử dụng đất, ví dụ như việc đấu giá các khu đất vàng là một điển hình. Dù rằng, việc đấu giá đất Thủ Thiêm diễn ra đúng quy định hiện hành nhưng cũng đã xuất hiện một số lỗ hổng cần phải khắc phục”, ông Phước nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy Ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng phải rất thận trọng, khách quan khi nhận định về cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm. Giá đất trúng đấu giá rất cao so với suy nghĩ nhiều người nhưng thực tế là cao hay thấp so với giá thị trường còn chưa thể khẳng định. Bài học rút ra từ đây là giá đất không phải là quan trọng mà mảnh đất đó phải được sử dụng như thế nào.

"Các cơ quan xây dựng chính sách, khi xây dựng chính sách đặt thêm các điều kiện, tôi không phản đối, nhưng hết sức cân nhắc tính khả thi của các biện pháp. Ví dụ như đặt vấn đề kiểm tra năng lực tài chính của doanh nghiệp thì phải xem tính khả thi của việc kiểm tra này như thế nào. Càng đặt rào cản thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh, mất đi các nhà đầu tư tốt nên phải cân bằng tất cả mọi việc. Một vấn đề cần lưu tâm là trước khi bổ sung các quy định thì phải rà soát quy định hiện hành để tránh chồng chéo các chế tài, tại sao phải đặt thêm biện pháp mới”- ông Phan Đức Hiếu đề nghị.

Đấu giá đất phải có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn, đảm bảo ổn định thị trường, góp phần tăng trưởng k 2
 Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu

Nêu quan điểm và góc nhìn khác biệt, Tiến sĩ Phạm Văn Võ - Trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM đưa ra nhận định: Lô đất 3.12 do doanh nghiệp Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá, với số tiền bỏ cọc của doanh nghiệp này, dù gì ngân sách nhà nước cũng đã tăng thêm được 588 tỷ đồng, tức là Tân Hoàng Minh đã trả cho Nhà nước 58 triệu đồng/m vuông.

Nếu xét về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng mà Thành phố đưa ra, chưa cộng lãi suất là 26 triệu đồng/m vuông và dùng giá này để tính tiền sử dụng đất ở một số dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm nếu không thông qua đấu giá mà chỉ định chủ đầu tư. Khi đó, tiền sử dụng đất được tính theo giá là trên 30 triệu đồng/m vuông. Tiến sĩ Phạm Văn Võ cho rằng, rõ ràng 588 tỷ đồng Nhà nước thu được còn lớn hơn số tiền nếu Nhà nước bán quyền sử dụng khu đất đó nếu không thông qua đấu giá.

“Đấu giá bỏ giá đất quá cao thì cũng gây ra tác động tiêu cực, nhưng ở đây tôi không đồng ý với các ý kiến mà dư luận nói nó gây nhiễu loạn, thao túng thị trường. Bởi vì đấu giá theo cơ chế thị trường thì chúng ta phải chấp nhận theo cơ chế thị trường rồi” - Tiến sĩ Phạm Văn Võ nói.

Chúng ta nói, việc này đẩy giá đất khu vực lên, Tân Hoàng Minh hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không có đất ở Thủ Thiêm, thì việc tăng giá đất khu vực này họ cũng không được hưởng và cũng không có động lực nào thổi giá đất lên. Mặt khác, khi đưa ra mức giá đất hơi cao là 2,4 tỷ đồng/m vuông là mức giá họ kỳ vọng trong tương lai, ít nhất sau 5 năm họ mới có sản phẩm tung ra thị trường. Họ đẩy giá lên là giá của 5 năm sau chứ không phải giá ở thời điểm hiện tại. Bây giờ chúng ta kết luận giá cao hay thấp thì cũng mang tính võ đoán”- Tiến sĩ Phạm Văn Võ bày tỏ quan điểm. 

Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật nhấn mạnh, đấu giá đất phải có kế hoạch tầm nhìn dài hạn, nếu không trong tương lai sẽ cạn kiệt quỹ đất.

“Có hai vấn đề mà chúng ta phải quan tâm, thứ nhất, phải xác định rõ mục tiêu của việc đấu giá quyền sử dụng đất này là gì. Và việc xác lập mục tiêu này sẽ chi phối đến toàn bộ nội dung sửa đằng sau. Nhìn mục tiêu kinh tế, việc đấu giá đất này nhằm để phát triển kinh tế xã hội, không đơn thuần là việc tăng thu ngân sách nhà nước. Không phải chúng ta tăng thu bằng mọi giá và tiền đấu thầu càng nhiều càng tốt, mà tôi nghĩ trong trường hợp này phải đảm bảo được sự ổn định thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, phù hợp với quy hoạch của địa phương", ông Khánh nêu ý kiến.