Cứ 1% đầu tư của chúng ta sẽ góp phần tăng trưởng GDP 0,06%. Đến thời điểm này, chỉ có 10 tỉnh, thành phố giải ngân đạt mức cao, trên 60%, trong khi một loạt các tỉnh, thành khác đều có tỉ lệ giải ngân rất thấp, dưới 20% như Đồng Nai, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cần Thơ… - là những thông tin được nêu tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải pháp vốn đầu tư công năm 2020 vào sáng 16/7 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA
Đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng, Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.
Do đó, trách nhiệm Chính phủ, các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là chúng ta phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 633.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng. Ước giải ngân 6 tháng đầu năm là trên 159.397 tỷ đồng, đạt gần 34% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu.
Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt hơn 38%. Đến thời điểm này, chỉ có 10 tỉnh, thành phố giải ngân đạt mức cao, trên 60%, trong khi một loạt các tỉnh, thành khác đều có tỉ lệ giải ngân rất thấp, dưới 20%.
Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể yêu cầu: “Đối với cao tốc Bắc Nam phía Đông có 13 tỉnh, có 12 tỉnh chậm. Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung: một là tỉnh Khánh Hòa, hai là tỉnh Đồng Nai. Hai tỉnh này về việc giải phóng mặt bằng đối với cao tốc Bắc Nam còn chậm. Chậm hơn so với các tỉnh khác, chúng tôi lo là không đảm bảo tiến độ theo Thủ tướng yêu cầu.
Còn các dự án quốc lộ chúng tôi đang triển khai, xin đề nghị các địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long giúp chúng tôi tập trung giải phóng mặt bằng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Nam Định về đường Thủy, Nghệ An giúp giải phóng 250 tỷ đồng quốc lộ 1, hiện nay đã được chi vốn để trả cho dân. Kon Tum tập trung giải phóng mặt bằng quốc lộ 24, Phú Yên tập trung giải phóng mặt bằng quốc lộ 25, Quảng Nam tập trung giải phóng mặt bằng quốc lộ 40B, Long An giúp tuyến thành phố Tân An, Bến Tre tập trung giải phóng mặt bằng quốc lộ 57”.
Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân khoảng 690 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỷ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện dự án này, Nhà nước cần thu hồi hơn 5.000ha đất của 18 tổ chức, gần 5.300 gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu. Tổng nguồn vốn chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống người dân gần 23.000 tỉ đồng.
Với dự án giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư giao Đồng Nai thực hiện, đến thời điểm này tỉnh đã thực hiện giai đoạn ưu tiên giải phóng mặt bằng hơn 1.800 ha, trong đó đã thu hồi 1.180ha của Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Đối với 630ha của hơn 1.000 hộ gia đình, cá nhân đã phê duyệt, chi trả đền bù và đang tiếp tục áp giá, lập phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng giai đoạn ưu tiên cho Bộ GTVT trong tháng 10/2020. Đối với xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, sau hơn hai tháng thi công, khối lượng công việc của năm gói thầu ưu tiên đã hoàn thành hơn 50%.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin: “Dự án sân bay quốc tế Long Thành, hiện nay Đồng Nai, khu tái định cư chúng tôi đã thực hiện 5 gói thầu rồi. Trừ gói thầu còn lại, 12 gói thầu trong tháng 7 chúng tôi sẽ triển khai thi công, đã mở thầu rồi. Dự kiến đến cuối năm, chúng tôi sẽ hoàn thành khu tái định cư này”.
Năm nay, phải giải ngân khoảng 28 tỷ đô la Mỹ, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ, ngành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn, đạt trên 20%, tăng so cùng kỳ khoảng 8%, nhưng còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân. Thủ tướng đề nghị cần tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA.
“Không được để nợ đọng, tức là hạng mục thi công xong, dự án đã hoàn thành nhưng không quyết toán, cứ ngâm mãi. Thứ ba là thủ tục đọng là vấn đề rất phổ biến hiện nay ở các cấp các ngành. Thí dụ như dự án xong rồi nhưng thủ tục dự án không quyết toán do bệnh cửa quyền, tiêu cực…” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.