Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam - một gương mặt có nhiều kinh nghiệm trong giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam và tại thung lũng Silicon kể về câu chuyện cùng chồng sáng lập Misfit và sau này bán cho Fossil Group với giá 260 triệu đô la Mỹ vào năm 2015. Sau thương vụ này, sứ mệnh của Misfit tiếp tục phát triển những sản phẩm hi-tech để hỗ trợ những sản phẩm thời trang của Fossil, vốn sở hữu các thương hiệu như Burberry, Michael Kors, Kate Spade…
Bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ: “Misfit Wearables lúc đó đưa ra sản phẩm đầu tiên, đó là đo độ vận động cơ thể, thực ra khi đưa sản phẩm này, lúc đó đã có hơn 20 sản phẩm cùng loại trên thị trường, lúc đó công ty đưa ra mục tiêu là phải làm sản phẩm công nghệ sao cho thật đẹp, để người ta thích đeo để có thể thu thập data, và sản phẩm này tập trung vào phần thiết kế, mình đã thắng hầu hết các giải thưởng về design trên thế giới”.
Các chuyên gia chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp và giải đáp thắc mắc của các starup Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng Giám đốc công ty khởi nghiệp Rynan Agrifoods, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, khi khởi nghiệp nên chọn thị trường nhỏ và độc quyền, từ đó nhân rộng ra. Theo ông, nông nghiệp Việt Nam nhìn đâu cũng ra cơ hội. Khi chọn cây lúa khởi nghiệp ông hướng đến giải quyết các vấn đề của về cộng đồng. Khi khởi nghiệp ở lĩnh vực phân bón, là do nhu cầu cho phân bón ở Việt Nam 12 triệu tấn/năm. Mỗi năm, đất nước này chỉ sản xuất được 9 triệu tấn và phải nhập khẩu hơn 3 triệu tấn, khi sử dụng thất thoát từ 60-70% qua khí nhà kính, ô nhiễm đất, nước, chỉ còn khoảng 30% vào cây lúa, do đó, ông Mỹ làm phân bón thông minh hơn để giảm lượng thất thoát đó:
“Mình khởi nghiệp vì thấy những cái sai mình làm cho nó đúng, thấy cái chưa tốt làm cho nó tốt hơn, thấy cái chưa có thì làm. Những gì chúng tôi làm hiện nay là làm tốt hơn cái đang tốt, làm cái chưa có. Hiện ở Trà Vinh, tôi làm nhà máy sản xuất phân bón 20 tấn mỗi năm. Trung bình 1 ngàn đô la Mỹ/tấn. Từ Bắc vào Nam thì cần 1 triệu tấn, lúc đó, xuất khẩu được 2 triệu tấn phân bón mỗi năm”, ông Mỹ nói.
Tại diễn đàn Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước chiều ngày 26/6.
Hai năm qua, TP.HCM đã chi khoảng 90 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn đang gặp khó khăn, các Startup Việt thiếu kỹ năng ngoại ngữ, thiếu kết nối khoa học và doanh nghiệp, đây chính là rào cản lớn cho việc khởi nghiệp và vươn ra toàn cầu.
“Đất nước chúng ta mới bước vào khởi nghiệp nên kinh nghiệm của các nhà khởi nghiệp thành công rất quan trọng. Có hai nhà chuyên gia, một Israel và 1 người Mỹ gốc Hàn chia sẻ cho chúng ta những bài học. Việc kết nối trong nước và ngoài nước theo chúng tôi giúp nhau học tập, tổ chức các yếu tố của 3 giai đoạn phát triển doanh nghiệp, từ giai đoạn đầu: nghiên cứu thị trường, định hướng công nghệ, tập hợp đội ngũ. Giai đoạn 2 là hoàn thiện sản phẩm, làm ra sản phẩm mẫu thay đổi kế hoạch kinh doanh. Giai đoạn 3, sản xuất quy mô lớn hơn, thị trường thật và tiến tới thương mại hóa công ty hoặc sản phẩm”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận.