Đề xuất mô hình quản lý chất lượng phù hợp cho hai ngành dịch vụ du lịch và logistic

(VOH) - Dự án do Trường Đại Học Ngoại thương triển khai thực hiện đã nghiên cứu đề xuất được mô hình lý thuyết quản lý chất lượng dịch vụ phù hợp cho hai ngành dịch vụ du lịch và logistics.

Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định Số 225 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ đã giao cho Trường Đại học Ngoại thương chủ trì thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu, hướng dẫn triển khai mô hình quản lý chất lượng dịch vụ tại các doanh nghiệp ngành dịch vụ Việt Nam” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Phổ biến hướng dẫn kinh nghiệm xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất lượng dịch vụ cho các doanh nghiệp phía Nam tổ chức tại TPHCM.

Dự án đã nghiên cứu đề xuất mô hình lý thuyết quản lý chất lượng dịch vụ phù hợp cho hai ngành dịch vụ du lịch và logistics. Mô hình này đã được Nhóm nghiên cứu Trường Đại Học Ngoại thương triển khai xây dựng và áp dụng thử nghiệm trong thực tiễn kinh doanh cho 5 doanh nghiệp du lịch và 5 doanh nghiệp logistics, trong đó có 6 doanh nghiệp miền Bắc và 4 doanh nghiệp ở miền Nam.

Quá trình xây dựng và áp dụng thử nghiệm triển khai tại 10 doanh nghiệp trong thời gian gần 9 tháng đã giúp cho Nhóm nghiên cứu có được những kinh nghiệm, từ đó có được những điều chỉnh để nhân rộng mô hình quản lý chất lượng dịch vụ du lịch và logistics vào thực tiễn.

Hiện nay ở Việt Nam, vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ chưa có quan điểm thống nhất và cũng chưa có một mô hình quản lý nào để áp dụng hiệu quả và phù hợp với các doanh nghiệp ngành dịch vụ Việt Nam. Hơn nữa, thực trạng quản lý chất lượng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Muốn quản lý chất lượng dịch vụ hiệu quả cần có mô hình quản lý phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của các doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với từng ngành dịch vụ cụ thể.

Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có trên 4.000 công ty vận tải và logistics trong nước, cung cấp dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến đóng thuế hay thanh toán…; trong đó, 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Theo đề xuất của các chuyên gia, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần củng cố, mở rộng đại lý, xây dựng các đại lý độc quyền tiến tới đặt văn phòng đại diện phủ khắp cả nước và mở chi nhánh ở nước ngoài là những bước đi hết sức quan trọng để triển khai dịch vụ một cách nhanh chóng và chất lượng. Doanh nghiệp logistics cần tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị hiện có, mua sắm các trang thiết bị mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận.

Đối với dịch vụ ngành du lịch, cần khắc phục tình trạng đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch đúng như cam kết với khách hàng, đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; Khắc phục tình trạng thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách.

Bình luận