Theo đó, phạm vi thực hiện bao gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 109.250 km2, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang); 11 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và 10 huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhiệm vụ thực hiện Đề án là điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081 km2 của 8 nhóm tờ (Mường Toỏng, Mường Nhé, Hoàng Su Phì, Đình Lập, Sông Mã, Lang Chánh, Con Cuông 1 và Con Cuông 2). Bên cạnh đó, phân tích, xử lý các tài liệu địa chất hiện có, điều tra, phân tích, tổng hợp các loại tài liệu nhằm làm rõ hiện trạng, mức độ điều tra, thăm dò, khai thác, tài nguyên, trữ lượng, xác định được quy luật phân bố khoáng sản trong vùng.
Đồng thời, điều tra phát hiện mới và đánh giá tiềm năng khoáng sản kim loại gồm: Vàng, thiếc, wolfram, đồng, niken, antimon, sắt, mangan, đất hiếm; điều tra, đánh giá những khoáng sản không kim loại; địa nhiệt và các tài nguyên địa chất khác chưa được nghiên cứu; điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản nội sinh ẩn, sâu có tiền đề, dấu hiệu chứa các khoáng sản.
Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về địa chất khu vực, khoáng sản vùng Tây Bắc đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất khu vực, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia tiếp cận với thế giới.
Khảo sát địa chất bổ sung, tổng hợp, phân tích, chuẩn hóa các thành tạo địa chất,xây dựng thống nhất bình đồ cấu trúc địa chất khu vực, thành lập bộ bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 (11 tờ và từng tỉnh); thu thập, thành lập bộ mẫu vật về địa chất, khoáng sản theo địa bàn tỉnh vùng Tây Bắc…