Các dữ liệu mới công bố khiến giới đầu tư tập trung lại vào sự hồi phục kinh tế Mỹ.
Bài "trắc nghiệm" dành cho thị trường khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố. Dự báo khoảng 650.000 việc làm sẽ được bổ sung vào tháng Năm, dù số dự đoán ngầm giữa các nhà giao dịch là gần 800.000.
Dữ liệu bảng lương tư nhân đã tạo ra một bước đột phá với mức tăng là 978.000, so với dự báo là 650.000, khiến đồng Đô la tăng giá.
Đồng Đô la đã tăng 0,7% so với đồng Euro vào thứ Năm và tăng thêm 0,1% trong phiên giao dịch châu Á, lên mức cao nhất trong ba tuần là 1,2110 USD/euro.
Đồng USD đạt mức cao nhất trong hai tháng so với đồng yên Nhật khi chạm mức 110,32 yên/USD và duy trì mức tăng hơn 1% so với đồng Đô la Úc và Đô la New Zealand.
Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống còn 6,4 đồng/USD.
Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới Pepperstone ở Melbourne, cho biết: “Rõ ràng các nhà giao dịch kiếm lợi nhuận chênh lệch khi giá USD giảm dựa vào dữ liệu việc làm.”
Weston cho rằng, số liệu một triệu việc làm trở lên có thể chứng kiến đồng đô la Úc giảm thêm 1%, đồng euro giảm khoảng 0,8% và tỷ giá hối đoái đô la/yên tăng.
Weston nói: "Số việc làm nếu nằm giữa 250.000 và 500.000 và chúng ta có khả năng sẽ thấy đô la/yên giảm 0,6% đến 0,8%.
Một con số phù hợp sẽ không cho chúng ta nhiều thứ để làm, vì vậy các động thái trên thị trường sẽ được quyết định bởi chất lượng của các yếu tố: số liệu điều chỉnh dữ liệu việc làm tháng 4 là 266.000, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập hàng giờ.”
Brian Daingerfield, giám đốc chiến lược tiền tệ G10 tại Natwest, nhìn thấy con số 550.000 việc làm là một con số đủ mạnh để duy trì sự hồi phục nhưng chưa đủ mạnh để đẩy lui nỗi lo lắng về thay đổi chính sách tiền tệ. Số liệu này theo Daingerfield có thể làm suy yếu đô la Mỹ trên diện rộng, bù đắp cho các động thái hôm thứ Năm, trong khi trái phiếu có thể phục hồi điểm đã mất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 3,6 điểm cơ bản lên 1,6% qua đêm và được giao dịch gần mức đó tại Tokyo vào thứ Sáu.
Chỉ số Đô la Mỹ, đo lường đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ chính, đã tăng 0,1% vào thứ Sáu lên mức cao nhất trong ba tuần là 90,596 vào thứ Sáu.
Đồng đô la Úc đang duy trì ở mức 0,7659 USD, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 qua đêm, trong khi đồng tiền của New Zealand ở mức 0,7151 USD sau khi giảm xuống mức rẻ nhất kể từ đầu tháng 5 vào thứ Năm.
Đồng bảng Anh ổn định ở mức 1,4091 USD sau khi giảm qua mức trung bình động 20 ngày khi đồng Đô la tăng giá.
Tiền điện tử nhận được một cú hích từ một chuỗi các tweet của Elon Musk nhưng đang theo dõi mức tăng vững chắc hàng tuần. Lần cuối cùng giao dịch, Bitcoin đã giảm gần 6% ở mức hơn 37.000 USD một chút.
Trong khi đó, giá vàng hôm thứ Sáu đã trượt xuống mức thấp nhất của hơn hai tuần, do ảnh hưởng của sức mạnh của đồng đô la, trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi dữ liệu bảng lương biên chế phi nông nghiệp của Mỹ và đặt cược vào khả năng Cục dự trữ liên bang cắt giảm biện pháp kích thích.
Giá vàng giao ngay đã giảm 0,1% vào lúc 06h42 GMT, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/5 ở 1.855,59 USD. Giá đã giảm 1,8% cho đến nay trong tuần này.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 1.872,60 USD/ounce.
Nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets cho biết: “Đồng Đô la mạnh hơn, lợi tức kho bạc Mỹ tăng kết hợp tình trạng mua sắm tăng đã dẫn đến một đợt bán tháo khá nhiều”.
“Chúng tôi cũng đã có những gợi ý từ Fed rằng nó có thể mở ra khả năng thắt chặt chính sách. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm mang tính xây dựng đối với vàng và một số người sẽ mua vào nếu sự sụt giảm tiếp tục.”
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm xuống dưới 400.000 vào tuần trước, trong khi các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ tăng cường tuyển dụng vào tháng Năm.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, vàng giao ngay có thể tăng lên trong khoảng 1.886 - 1.898 USD/ounce vì nó có thể điều chỉnh quanh mức hỗ trợ 1.853 USD.
Theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM), thị trường vàng đang chứng kiến áp lực bán ra nhiều hơn.
Thứ Năm, một báo cáo của ISM cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng phi sản xuất cho thấy đang ở mức 64,0% trong tháng 5, tăng so với mức 62,7% của tháng 4. Dữ liệu tốt hơn mong đợi vì dự báo đồng thuận nằm ở mức 63,0%.
Báo cáo của ISM ghi nhận mức tăng trên diện rộng trong lĩnh vực dịch vụ khi tất cả 18 ngành dịch vụ đều báo cáo tăng trưởng.
Nhìn vào các thành phần của báo cáo, chỉ số hoạt động kinh doanh đã tăng lên 66,2, tăng từ mức 62,7 của tháng 4.
Có một số tin tức tích cực cho các nhà đầu tư vàng. Báo cáo tiếp tục nhấn mạnh áp lực lạm phát đang gia tăng. Chỉ số giá đã tăng lên mức 80,6, tăng so với bản báo cáo trước đó là 76,8.
Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, nói rằng dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy nguy cơ Chỉ số giá tiêu dùng sẽ sớm chạm mức 5%.