Doanh nghiệp cần quy hoạch các vùng sản xuất nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu

(VOH) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví như như "con đường cao tốc" hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân.

Tại hội nghị trực tuyến “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA” mới đây do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, các doanh nghiệp kiến nghị một số vấn đề, trong đó có đề cập đến việc rất cần sự vào cuộc của Chính phủ để quy hoạch các vùng sản xuất nguyên phụ liệu một cách bài bản để cung ứng cho ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đây là vấn đề được các doanh nghiệp đề cập và kiến nghị rất nhiều lần tại các cuộc họp.

Doanh nghiệp rất cần quy hoạch các vùng sản xuất nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Ảnh: EVFTA VN

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng. Trong 5 năm tới, ngành này đặt mục tiêu tăng thêm 10 tỷ đô la Mỹ, đạt kim ngạch xuất khẩu 15-20 tỷ đô la Mỹ, chứ không chỉ 5,5 tỷ đô la Mỹ như hiện nay.

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới với thị phần chiếm 6%, nhưng đối với thị trường châu Âu, chỉ chiếm 2,2%. Trong số 8.500 doanh nghiệp dệt may trong nước thì có 85% có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, 15% trên 50 tỷ đồng và quy mô vốn trên 500 tỷ đồng thì chỉ có 3%. Nếu đầu tư cho sản xuất nguyên liệu thì quy mô vốn 500 tỷ đồng là chưa đủ. Do đó, cần có chính sách thu hút FDI và cần có các khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may: “Để thu hút được FDI thì đương nhiên chúng ta phải có những khu công nghiệp được quy hoạch cho loại hình sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho dệt may, còn hiện tại trên cả nước thì chúng ta không có một khu nào chỉ rõ ra là đây là khu phát triển nguyên liệu phụ trợ cho dệt may. Cho nên những ông lớn không thể vào, đặc biệt những ông lớn từ châu Âu đối với ngành dệt may, nhất là ngành sản xuất nguyên liệu thì các doanh nghiệp châu Âu đang giữ những công nghệ và thiệt bị tốt nhất của ngành sản xuất sợi, sản xuất dệt, nhuộm đều là máy móc châu Âu thì đây cũng là lợi thế là vì doanh nghiệp châu Âu đều có thể tham gia đầu tư kể cả đầu tư thông qua bán, trả chậm các trang thiết bị cho doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất nguyên liệu và nguyên liệu đó quay trở lại phục vụ cho sản xuất dệt may xuất khẩu sang châu Âu đạt quy tắc xuất xứ thì hai bên cùng có lợi”.

Đối với ngành da giày, túi xách thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu, mục tiêu là vươn lên thị phần lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, theo đó, doanh nghiệp cần xác định các hoạt động dọc theo chuỗi. Trong giai đoạn sắp tới, doanh nghiệp cần tập trung phát triển khâu cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội da giày túi xách, cho rằng: “Chúng ta cần thành lập khuyến khích các trung tâm nghiên cứu và phát triển, xây dựng được các khu vực sản xuất nguyên phụ liệu, cũng như hội chợ triển lãm, kết nối với hệ thống logistics. Nếu chúng ta làm tốt 3 khoản này thì các đơn hàng sẽ được tiếp nhận vào Việt Nam rất dễ dàng”.

Về chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, doanh nghiệp đã chủ động tăng tỉ lệ nội địa hóa để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu, thay đổi mẫu mã sản phẩn phù hợp với thị trường Liên minh châu Âu cũng như nỗ lực hơn để tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, từ mức 20 triệu đô la Mỹ như hiện nay lên 40 triệu đô la Mỹ vào năm 2021. Tuy nhiên, theo bà Nga, Chính phủ cần hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam có vùng sản xuất nguyên liệu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt phát triển ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam, tận dụng tốt lợi thế truyền thống để mở rộng tốt hơn thị phần ngành công nghiệp thời trang trên thế giới hiện nay là 580 tỷ đô la và tăng trưởng là 10%: “Chúng tôi muốn có vùng sản xuất hạt điều ở Bình Phước, gạo ở Long An, Đồng Tháp và vùng nguyên liệu làm gốm, nơi xuất khẩu ở Hải Dương và Phú Thọ. Thứ ba là kiến nghị cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước có thể có chương trình động viên khuyến khích sản xuất để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào EU, có một số lợi thế về lãi suất vay vốn. Chúng tôi cũng cần có những chương trình đào tạo nhân sự từ các bộ ngành chức năng cho các cán bộ thực hiện việc xuất nhập khẩu”.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 1999, khi Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu vào châu Âu thì mới có 19 doanh nghiệp với doanh số 129 triệu đô la Mỹ. Đến nay, doanh số là 1 tỷ 300 triệu đô la Mỹ xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu, tức là tăng lên 10 lần. Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong số quốc gia xuất khẩu thủy sản vào châu Âu: “Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn rằng, sự kịp thời là một chuyện, nhưng sự kịp thời đó phải biến thành những dữ kiện theo từng nhóm ngành hàng. Bởi vì sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp là quan tâm cái mình đang làm thôi, như thủy sản quan tâm lĩnh vực thủy sản. Nhưng vừa rồi, chúng tôi có phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bóc tách ra được 212 mặt hàng theo mã HS 8 số, và chúng tôi cung cấp ngay cho doanh nghiệp. 212 mặt hàng này sẽ có 0 % ngay từ ngày 1/8 và bao nhiêu mặt hàng sẽ sau 3 năm. Những mặt hàng mà chịu thuế quan là cá ngừ, cá viên từ biển thì chịu hạn ngạch chừng đó và cơ chế cấp như thế nào”.

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi tư duy kinh doanh, có chiến lược cụ thể để tận dụng cơ hội Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu mang lại.

Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Lệ Loan