Doanh nghiệp lo hàng ngoại "đánh bật" hàng Việt

(VOH) – Nhiều doanh nghiệp trong nước đang hết sức lo lắng khi ngày càng nhiều người Việt Nam có xu hướng dùng hàng ngoại ngày càng nhiều.

 Ông Nguyễn Hoàng Năng, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: Lệ Loan)

Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban Mặt trận tổ VN TPHCM chức sáng 21/10.

Từ khi phát động chương trình người VN ưu tiên dùng hàng VN, chương trình Tự hào hàng VN, các doanh nghiệp Việt nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, từ đó, tăng nhận thức cho người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt.

Sài Gòn Food là một trong những doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đông lạnh cho hệ thống siêu thị trên toàn quốc, kể cả siêu thị của nước ngoài. Hiện nay, tỷ lệ hàng xuất khẩu và hàng nội địa của doanh nghiệp này 70-30, Sài Gòn Food đang mở rộng thị trường, đầu tư xây dựng thêm một xưởng mới 10.000 m2, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2017, tập trung cho thị trường nội địa với định hướng đến năm 2020, tỷ lệ giữa thực phẩm xuất khẩu và nội địa là 50-50.

Hầu hết các doanh nghiệp VN là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, do đó, rất khó để xây dựng một hệ thống phân phối trong kênh truyền thống, đó là đưa sản phẩm đến từng chợ, cửa hàng, tiệm tạp hóa, vùng sâu vùng xa… Để xây dựng được kênh phân phối này, các doanh nghiệp tốn kém rất lớn, riêng Sài Gòn Food đã tốn cho chi phí trên 10 tỷ đồng. Trong khi đó, đưa sản phẩm vào siêu thị chi phí chiết khấu rất cao.

Hàng thực phẩm đông lạnh ở mức chiết khấu 10% tại hệ thống siêu thị VN, còn siêu thị nước ngoài là từ 10-30%. Sài Gòn Food bán chỉ trong 8 tháng đầu năm ở siêu thị nước ngoài đã lỗ 1 tỷ đồng. Bà Lâm đề nghị nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt đưa mặt hàng của mình vào hệ thống kênh phân phối siêu thị trong nước.

Đại diện công ty cổ phần dây cáp điện Việt Nam Cadivi cho rằng, doanh nghiệp này hiện đang gặp nhiều thách thức và lo ngại bị mất thị phần ngay trên sân nhà khi các mặt hàng dây cáp điện từ Trung Quốc vào VN ngày càng nhiều.

Các công ty này có mức chiết khấu cao và bán giá quá rẻ. Thực tế, khi chưa hội nhập, hàng nước ngoài bị mất thuế, phí vận chuyển nhưng vẫn cạnh tranh được, thậm chí lấn át hàng Việt. Vì vậy, muốn có cơ hội cạnh tranh được, các nhà sản xuất VN luôn nỗ lực tính toán giảm thấp nhất chi phí sản xuất, phân phối, vận chuyển, quản lý để đưa giá bán cạnh tranh nhất.

Đối với ngành thực phẩm tươi sống, để đảm bảo thực phẩm an toàn cho người dân, hiện nay, Vissan đã cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGap, đưa ra thị trường một ngày 100 tấn thịt heo theo chuẩn an toàn. Qua đó, công ty sẽ góp phần định hướng, điều chỉnh việc sản xuất chăn nuôi, tạo nguồn cung cấp ổn định an toàn nguyên liệu cho việc bình ổn thị trường.

Hàng ngoại có mặt khắp nơi (Ảnh: Lan Hương)

Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn có từ 1.200-1.400 điểm buôn bán nhỏ lẻ. Sản lượng nhập vào chợ khoảng 2.500 tấn cho một ngày/đêm. Ông Lê Văn Tiễn, Phó Giám đốc công ty quản lý chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết việc kiểm soát hàng nông sản an toàn tại nguồn hiện nay khá chặt chẽ. Thương nhân đầu tư hạt giống, kỹ thuật, phân bón cho các hộ nông dân, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đúng quy trình, quy chuẩn nên sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng an toàn.

Ở góc độ người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo thói quen dùng hàng Việt, nên tạo ấn tượng tốt về mặt hàng Việt Nam, chất lượng phải đảm bảo, giá cả hợp lý, độ an toàn cao là tiêu chí để người dân lựa chọn sản phẩm. Muốn an lòng người tiêu dùng VN, nhà sản xuất, kinh doanh phải có đạo đức, đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng, bản thân doanh nghiệp phải tự vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự liên kết. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ về chính sách, vốn, thuế, hải quan… để giúp doanh nghiệp Việt đứng vững trên thị trường.