Doanh nghiệp phải nhận diện được rủi ro

(VOH) - Theo nhận định của Tổ thư ký Ủy ban Ngân hàng của Phòng Thương mại Quốc tế ICC thì rủi ro lớn nhất mà VN thường vướng phải là tín dụng.

Ông Quyền Anh Ngọc, Vụ chính sách đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo.

Việc quản lý tín dụng và thu hồi nợ nước ngoài là nội dung chính được chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp bàn thảo tại hội thảo “Quản lý rủi ro và phòng tránh nợ trong thương mại tự do” diễn ra sáng nay (22/12 ).

Trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng, bên cạnh cơ hội do thương mại tự do mang lại, doanh nghiệp cần nhận diện, có biện pháp phòng tránh rủi ro để cạnh tranh và phát triển.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chí nhánh TPHCM phân tích, dù xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả đáng khích lệ nhưng doanh nghiệp vẫn trăn trở làm thế nào để tranh thủ ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, làm thế nào để hạn chế, khắc phục rủi ro…

"Càng đẩy mạnh xuất khẩu nhất là ở thị trường mới, khách hàng mới, có nghĩa là chúng ta cũng phải đối diện với những nguy cơ, rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất là thanh toán. Nếu gặp phải khách hàng không đáng tin cậy thì nguy cơ không nhận được tiền hàng xuất khẩu. Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã vấp phải vấn đề này", ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Quyền Anh Ngọc, đại diện Bộ Công Thương, nếu không nhận diện và có biện pháp phòng tránh rủi ro, doanh nghiệp có thể mất dần lợi thế cạnh tranh do năng lực yếu, khó khăn khi đối diện với rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt, nguy cơ mất thị trường vào tay các tập đoàn xuyên quốc gia:

"Để tận dụng những cam kết trong WTO và các FTA đa phương, song phương thì doanh nghiệp phải nắm vững cam kết của Việt Nam và nước đối tác, chúng ta hoàn toàn có thể chọn cam kết nào thuận lợi hơn để tận dụng cho doanh nghiệp, cho hàng hóa của mình.

Còn đối với các hiệp định mới, chúng ta có thể vào trang web của Bộ Công Thương, doanh nghiệp có thể tìm thấy các hiệp định mới ký kết và các mức cắt giảm cụ thể của các nước đối tác đối với từng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thế nào'.

Để phòng tránh rủi ro cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý điều tra đối tác, cảnh giác với giá bất thường, lựa chọn hiệp định phù hợp có lợi thế cho ngành hàng của doanh nghiệp.

Riêng với bản thân doanh nghiệp cần có chiến lược quản lý tín dụng và quy trình cụ thể để phòng tránh nợ, gian lận thương mại và giảm doanh thu…