Doanh nghiệp Việt mua bán theo Công ước Vienna năm 1980

(VOH) - “Ngày 1/1/2017 Công ước Vienna năm 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa (CISG) sẽ có hiệu lực tại Việt Nam". 

Ông Vũ Xuân Phong, phó chủ tịch Trung Tâm trọng tài Quốc tế VN phát biểu tại hội thảo.

Việc gia nhập Công ước này sẽ giúp cho các doanh nghiệp dự báo và giảm thiểu rủi ro trong hợp đồng mua bán, giảm bớt chi phí khi đàm phán và thực hiện hợp đồng cũng như tránh tranh chấp phát sinh”. Đây là nội dung chính mà Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM, Trường Đại học Ngoại thương giới thiệu đến các doanh nghiệp trong hội thảo “CISG – Nắm bắt cơ hội về hội nhập” diễn ra vào sáng nay (25/10).

Ngày 24/11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết gia nhập công ước Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (gọi tắc là Công ước Vienna năm 1980). Đây là một trong những công ước quan trọng về thương mại đa phương được áp dụng rộng rãi với 85 quốc gia thành viên tham gia, điều chỉnh khoảng ¾ giao dịch thương mại hàng hóa quốc tế.

Trong danh sách thành viên công ước, có hầu hết các cường quốc kinh tế trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc…là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là luật thống nhất quốc tế đầu tiên Việt Nam tham gia để thực hiện buôn bán quốc tế. 

Ông Vũ Xuân Phong, phó chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định: “Việc gia nhập Công ước Vienna năm 1980 đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia các điều ước quốc tế đa phương về thương mại và tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của VN về mua bán hàng hóa quốc tế và cho các doanh nghiệp Việt Nam một khung pháp lý hiện đại, công bằng, an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của mình”.

Công ước Vienna năm 1980 càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường mua bán quốc tế và thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt gặp rủi ro trong giao thương với đối tác nước ngoài.

Giám đốc cơ sở 2 Trường Đại học Ngoại thương – ông Nguyễn Xuân Minh phân tích: “Đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp chúng ta được phép lựa chọn các nguồn luật để điều chỉnh hợp đồng của mình. Hiện nhiều doanh nghiệp VN vẫn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nguồn luật đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với luật pháp trong nước để áp dụng.

Như vậy, VN gia nhập Công ước Vienna năm 1980 là điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp chúng ta có thể khai thác cơ hội từ quá trình hội nhập. Tuy vậy, chúng ta chỉ có thể khai thác tốt cơ hội khi nhận thức, hiểu biết đầy đủ và nắm bắt sâu sắc để vận dụng”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp cách thức soạn thảo hợp đồng theo Công ước Vienna, lưu ý cho những vấn đề quan trọng khi thực hiện hợp đồng nhìn từ các án lệ theo công ước, so sánh khác biệt giữa việc thực hiện hợp đồng theo công ước Vienna và luật Việt Nam…nhưng vấn đề quan trọng vẫn là doanh nghiệp phải tự tìm hiểu sâu quy định, điều lệ để làm chủ trên chính bản hợp đồng mình đã ký.