Doanh nghiệp ý thức phòng chống dịch là thể hiện trách nhiệm với người lao động, với đất nước

(VOH) - TPHCM có 17 Khu chế xuất - Khu công nghiệp đang hoạt động với tổng số gần 28.000 lao động, trong đó hơn 3.000 người lao động nước ngoài.

Do vậy, việc tuân thủ, cảnh giác cao độ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp là việc làm cấp bách.

doanh-nghiep-y-thuc-phong-chong-dich-la-the-hien-trach-nhiem-voi-nguoi-lao-dong-voi-dat-nuoc-voh.com.vn-anh1
Lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho công nhân tại KCX Tân Thuận. Ảnh: SGGP

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã nỗ lực tổ chức thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống dịch, đặc biệt là tại các sân bay, cửa ngõ vào thành phố, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Thành phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp, người dân cần ý thức trong phòng chống dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng ý thức trong việc phòng, chống dịch rất tốt, vì doanh nghiệp tự hiểu, đảm bảo phòng, chống dịch tốt không chỉ bảo vệ được sức khỏe người lao động, tránh lây lan dịch bệnh trong xã hội mà còn là cầu nối giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Tương Hạo Nhiên - Giám đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn Kim May Organ Việt Nam, đang hoạt động tại khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 cho biết:

"Mình tuân thủ đúng theo chỉ thị của thành phố, trước hết là đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho nhân viên, sau đó là ngăn cách phòng.

Mới đây, Hepza có chỉ thị mới là khai báo y tế hàng ngày, lập đội phòng chống, lập đội hỗ trợ xuống phân xưởng để có thể nhanh chóng xử lý các trường hợp...".

Bà Hoàng Thị Tuyết Hòa - Giám đốc xưởng 1, công ty trách nhiệm hữu hạn Freetrand A, một công ty chuyên về ngành may nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức cho biết, công tác phòng chống dịch Covid-19 được công ty thực hiện đồng bộ từ văn phòng đến khu vực sản xuất. Tất cả người lao động tại công ty đều phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K và đặc biệt là phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc:

"Toàn bộ công nhân khi lên nhà xe, đi xuống nhà xe đều được đo thân nhiệt và sau khi lên chuyền đều có sát khuẩn và đo nhiệt độ thêm lần nữa. Công nhân toàn bộ đeo khẩu trang hết, tuân thủ việc giãn cách. Toàn bộ nhà ăn thì có vách ngăn, mỗi người ngồi 1 ô, không nhìn được bên kia, nói chuyện cũng không qua được bên kia. Lên nhà ăn thì đi theo vòng, đi vô 1 lối, đi ra 1 lối và trước khi ăn cũng đều có sát khuẩn".

Hiện nay, để tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong việc khai báo y tế, ngành y tế đã thực hiện quét mã QR, cài đặt ứng dụng Bluezone để khai báo y tế mỗi ngày tại các doanh nghiệp, khu chế xuất.

Tuy nhiên, người lao động có tuân thủ tốt hay không thì doanh nghiệp phải kiểm tra lại bằng thủ công rất mất thời gian. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sáng tạo, kiểm tra quét mã tự động qua camera, ứng dụng bắn barcode để kiểm tra tính tự giác khai báo y tế của người lao động.

Ông Nguyễn Chí Hiếu - Trưởng phòng quản lý, phụ trách đối ngoại công ty trách nhiệm hữu hạn Mtex Việt Nam nằm trong khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 chia sẻ: "Công ty yêu cầu người lao động khai báo Bluezone hàng ngày nhưng việc kiểm tra có thực hiện hay không thì do đội ngũ quản lý thực hiện, việc này rất mất thời gian. Do vậy, công ty đã tự phát triển chiếu Barcode kiểm tra người lao động vào có khai báo chưa. Khi chiếu barcode sẽ tự động gửi vào hệ thống xem người lao động có thực hiện khai báo y tế không".

Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp đã chủ động làm việc với doanh nghiệp trong khu, xây dựng các phương án ứng phó nếu có người lao động trong các khu chế xuất bị nhiễm Covid-19, doanh nghiệp rất chủ động phối hợp vì đó là quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp:

"Qua công tác kiểm tra thì hầu hết doanh nghiệp rất ý thức và có sự phối hợp. Bản thân doanh nghiệp cảm thấy rằng, nếu có bất kỳ sự cố nào thì chính doanh nghiệp là người sẽ bị chịu thiệt hại đầu tiên.

Hiện nay, trong các khu chế xuất khu công nghiệp, hàng năm thu ngân sách là khoảng 28.000 tỷ đồng. Mức xuất khẩu hàng năm khoảng 7 tỷ đô la, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Cho nên khi có sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất hoặc là tạm thời dừng của bất kỳ 1 doanh nghiệp nào, sẽ ảnh hưởng đến đóng góp của ngân sách và các chỉ số phát triển kinh tế thành phố đồng thời là ảnh hưởng trực tiếp đến chính doanh nghiệp đó".

Song song đó, thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra, động viên các doanh nghiệp, kiểm tra các khu chế xuất về tình hình phòng chống dịch của doanh nghiệp cũng như người lao động tại đây.

Tại cuộc họp gần đây liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá: "Qua kiểm tra một số các doanh nghiệp, chúng ta thấy các doanh nghiệp cũng nhận thức rằng, việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch chính là doanh nghiệp bảo vệ sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm cho người công nhân. Việc kiểm tra của chúng ta cần quyết liệt, chính là bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, bảo vệ sản xuất, góp phần giữ vững được sự đóng góp của các doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố".

Với diễn biến khó lường trước của dịch bệnh, để đảm bảo mọi thứ được hoạt động tốt trong trạng thái bình thường mới thì rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động.

Mỗi người cùng chung tay, chủ động, ý thức tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của thành phố cũng như của ngành y tế, chính là góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng, giữ vững sự ổn định và phát triển cho thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bình luận