Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Công trường 'ngóng trông' đồng vốn

(VOH) - Ngày 24/6/2019 lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Lo lắng lớn nhất của các nhà đầu tư, nhà thầu vẫn là vốn.

Đến nay, dù liên danh các nhà thầu đã bỏ ra gần 2.500 tỉ đồng; UBND tỉnh Tiền Giang bỏ ra 173 tỉ đồng nhưng vốn của Nhà nước ghi cho dự án là 2.186 tỉ đồng chưa được giải ngân; vốn tín dụng cho dự án (khoảng 9.000 tỉ đồng) chưa được thu xếp.

 Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Cty CP BOT Trung Lương - Mỹ thuận thị sát công trường.

Công trường nhộn nhịp

Tại công trường, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận ghi nhận: hiện tiến độ thi công đã được cải thiện tốt. 10 năm kể từ khi khởi động (2009), dự án chỉ thực hiện được 10% khối lượng công việc.

Trong khi chỉ ba tháng khởi động lại (từ tháng 4/2019), các đơn vị thi công đã thực hiện được 25% khối lượng dự án. Dù vậy ông vẫn đòi hỏi các đơn vị thi công nỗ lực nỗ lực nhiều hơn nữa: “Muốn thúc đẩy người khác thì chúng ta cần phải thúc đẩy chính mình”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ghi nhận tại hiện trường dự án, các nhà thầu hiện đã huy động hết thiết bị, máy móc và nhân lực để cùng với nhà đầu tư quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, các nhà thầu đều tỏ rõ lo ngại nếu tháng 8 tới đây, vốn nhà nước hỗ trợ, vốn tín dụng không khai thông thì các nhà thầu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn này, ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết về hợp đồng tín dụng, Nhà đầu tư đã làm việc với Ngân hàng tài trợ vốn để song hành thẩm định phương án tài chính và tháo gỡ các điều kiện tín dụng khó khăn. Tuy nhiên, các điều kiện Ngân hàng đặt ra còn nhiều điểm chưa hợp lý, khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Vướng mắc về điều kiện tín dụng

Tại công trường, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Cty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ đạo các đơn vị thi công cố gắng đảm bảo chất lượng và đúng tiền độ.

Để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, liên danh Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần tập đoàn …) đã đề nghị Viettinbank (Ngân hàng đầu mối) thẩm định và tháo gỡ các vướng mắc của hợp đồng tín dụng.

Đồng thời, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến khẳng định việc khơi thông nguồn vốn vay là rất quan trọng, có tính chất then chốt, quyết định đối với dự án và đề nghị Viettinbank tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của hợp đồng tín dụng, sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 31/05/2019, Viettinbank - CN4 (Ngân hàng đầu mối cấp tín dụng) có văn bản số 1365/CV-PKHDNL-CN4 về việc xem xét chủ trương cấp tín dụng đối với dự án đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong đó, Viettinbank đưa ra các yêu cầu cụ thể như sau:

- Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia: Ngân hàng yêu cầu đảm bảo 2.575 tỷ đồng (tương ứng 20,5% tổng mức đầu tư), khi phần vốn Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho dự án là 2.186 tỷ đồng thì việc cân đối bố trí thêm vốn Nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn hiện này cần có sự đồng ý của Chính phủ, các Bộ ngành.

- Đối với phần vốn chủ sở hữu: Ngân hàng yêu cầu mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% tổng vốn đầu tư (bao gồm phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước) khoảng 3.765 tỷ đồng (cao hơn rất nhiều so với 20% là mức này áp dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án khác có mức tối thiểu theo quy định tại Điều 10, Nghị định 63/2018/NĐ-CP là khoảng 12% - 15%). Cụ thể phần vốn chủ sở hữu  = (tổng vốn đầu tư – vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ ) x 15%.

Mặt khác theo quy định, phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để làm cơ sở xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư tham gia vào dự án.

Tuy nhiên, theo cách tính của Ngân hàng, phần vốn cho vay sẽ bao gồm cả phần vốn Ngân sách đã hỗ trợ dẫn đến vốn chủ sở hữu yêu cầu đối với nhà đầu tư tham gia dự án là bất hợp lý.

- Đối với phần vốn vay tín dụng: Việc yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu 30%, vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước 20,5% thì Ngân hàng chỉ cho vay tối đa 49,5% tổng vốn đầu tư, khoảng 6.210 tỷ đồng (không bao gồm thuế GTGT), Ngân hàng còn yêu cầu nhà đầu tư đàm phán với các tổ chức tín dụng khác để cho vay phần thuế giá trị gia tăng và gửi thông báo cam kết cấp tín dụng (khoảng 930 tỷ đồng) đến Ngân hàng đầu mối trước ngày giải ngân đầu tiên.

Đây là yêu cầu khó đáp ứng khi thời gian hoàn thuế VAT phụ thuộc vào việc giải quyết của cơ quan thuế và khả năng ngân sách.

Các kiến nghị đối với Ngân hàng tài trợ vốn

Dù các vướng mắc trước đây về pháp lý, lãi vay… đã được nhà đầu tư giải quyết cơ bản nhưng với các yêu cầu tiếp theo của Ngân hàng rất khó khăn để nhà đầu tư tiếp cận được vốn tín dụng trong giai đoạn hiện nay. Mới đây, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã ký văn bản kiến nghị VietinBank:

- Xác định khả năng tài trợ vốn để hoàn thành việc thẩm định và điều chỉnh Hợp đồng tín dụng trước ngày 30/07/2019, xác định tỷ lệ cho vay phù hợp với Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018. Đồng thời xem xét cơ cấu lại các Ngân hàng đồng tài trợ theo hướng giảm số lượng Ngân hàng đồng tài trợ, tránh việc đưa nhiều điều kiện cho vay chưa phù hợp, khó khăn cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

- Thống nhất áp dụng lãi suất như Điều 10 của Phụ lục Hợp đồng dự án đã ký giữa UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án ngày 8/5/2019: Thực hiện việc giải ngân ổn định không tăng lãi vay trong thời gian xây dựng, chỉ tăng hoặc dừng giải ngân khi có ý kiến cụ thể của Chính phủ.

- Trong trường hợp xét thấy tính khả thi dự án, năng lực nhà đầu tư, các yêu cầu đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và đặc biệt việc hỗ trợ vốn của ngân sách Nhà nước không đảm bảo điều kiện cho vay, cần có ý kiến cụ thể tránh để kéo dài sẽ dẫn đến không hoàn thành việc thông tuyến năm 2020 như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và kỳ vọng của người dân.

Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận: Hiện nay Nhà đầu tư đã bỏ ra 2.500 tỷ đồng, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã giải ngân 173 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Ngân hàng đặt ra các điều kiện khó khăn cho nên một số nhà thầu thời gian qua làm bằng vốn của chủ đầu tư và vốn của chính nhà thầu. Đến tháng 8/2019, nếu vốn hỗ trợ của nhà nước và vốn vay tín dụng không được giải ngân thì chắc chắn dự án không thể tiếp tục thi công.
Ông Phạm Hoàng Mỹ, Giám đốc Điều hành Dự án Công ty Tuấn Lộc (nhà đầu tư): Chúng tôi mong muốn các cơ quan phê duyệt nguồn vốn để nhà thầu đáp ứng tiến độ. Tiến độ thi công hiện nay đang đảm bảo, đạt 25%. Hiện nay doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn tự lực. Nếu vốn tín dụng chậm giải quyết, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn và khó đảm bảo tiến độ cam kết.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Điều hành Công ty BMT (nhà đầu tư) : Gói thầu mà chúng tôi đang thi công đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, đạt 53% khối lượng thi công. Hiện nay, chỗ chúng tôi thi công còn một phần chưa giải phóng mặt bằng xong. Nếu có mặt bằng thì tiến độ triển khai sẽ được đẩy nhanh. Về phần vốn, từ lúc thực hiện đến nay, Công ty BMT phải tự ứng vốn của mình ra để triển khai. Phần vốn do chủ đầu tư thanh toán chưa được 30%. Nếu đến tháng 8/2019 mà vốn tín dụng không được giải quyết thì vấn đề an toàn tài chính của công ty sẽ bị đe doạ. 
Ông Hoàng Văn Lâm,  Giám đốc Văn phòng điều phối Tư vấn giám sát Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận: Hầu hết gói thầu đều thi công đạt tiến độ nhưng vẫn có 1-2 gói thầu thi công chậm, ì ạch. Tại gói thầu số 6, hạng mục đóng cọc của trụ T1 của một nhà thầu của Công ty CII đang dừng và lãnh đạo dự án đã khuyến cáo, nếu không có tiến triển sẽ cho dừng gói thầu này, giao cho nhà thầu khác. Tinh thần là rất quyết liệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo về vốn. Nếu vốn không được rót, các nhà đầu tư, nhà thầu sẽ rất khó khăn.
Bình luận