Du lịch miền Trung trước khó khăn về hướng dẫn viên quốc tế

(VOH) - Điểm đến miền Trung trước nay được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nơi đây còn tồn tại nhiều hạn chế.

Nằm trong hoạt động của chuyến khảo sát dịch vụ các tuyến điểm miền Trung, sáng 6/4, 80 Doanh nghiệp lữ hành đại diện 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tham dự tọa đàm “Kết nối điểm đến - Chia sẻ cơ hội”. Xung quanh sự kiện này, những vấn đề tồn tại của du lịch Miền Trung cũng đã được các doanh nghiệp lữ hành chỉ rõ.

Chưa được đầu tư đúng mức

Điểm đến miền Trung trước nay được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ngoài các tour khám phá di sản, du lịch biển, tiềm năng của vùng đất này cũng không ngừng được đầu tư, đổi mới để tạo sức hút thu du khách trong và ngoài nước. Điểm nhấn đáng chú ý là đưa du khách trải nghiệm và khám phá Khu Du lịch Sông Chày - Hang Tối, Suối Vọoc (Quảng Bình), làng cổ Phước Tích (Huế), Khu du lịch Hồ Phú Ninh (Quảng Nam)…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Nguyệt, PGĐ Công ty Du lịch Tâm Việt, hiện nhiều sản phẩm này vẫn chưa hoàn thiện, thiếu những trải nghiệm về đêm cho du khách; thị trường quà lưu niệm, quà tặng dành cho du khách cũng chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức.

Theo bà Nguyệt, nếu biết khai thác thị trường riêng, du lịch tâm linh cũng là điểm nhấn ở khu vực Miền Trung. 

“Vấn đề là giá cả ở đây cần phải hỗ trợ cho các đơn vị lữ hành, làm như thế nào phải để du khách hài lòng. Bởi vì cty là một trong những người khảo sát, khi mình hài lòng thì dù khách chắc chắn sẽ hài lòng”, bà Nguyệt nói.

Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch mới của miền Trung tại Rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An, Quảng Nam

Thiếu hướng dẫn viên quốc tế

Ngoài lượng khách trong nước, thời gian gần đây, du lịch miền Trung cũng đón nhận một lượng lớn khách quốc tế, chủ yếu ở thị trường Đông Bắc, Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung, tiếng Hàn.

So với thị trường cả nước, lượng hướng dẫn viên quốc tế chủ yếu tập trung ở 2 đầu Hà Nội - TPHCM. Riêng ở khu vực miền Trung, do thiếu hướng dẫn viên quốc tế chuyên tiếng Hàn, tiếng Trung nên xuất hiện tình trạng, các công ty thuê hướng dẫn viên ngồi trên xe (sitting guide) và nhường hướng dẫn, thuyết minh điểm đến cho hướng dẫn viên người nước ngoài (tour leaders). Điều này vô hình trung đặt ra những nguy cơ xuyên tạc về tính chính xác của thông tin truyền đạt đến du khách.

Ông Trần Anh Vinh, Chủ tịch CLB Hướng dẫn viên miền Trung phân tích đa số hiện nay đang dùng sitting guide. Có nghĩa là những hướng dẫn tiếng trái ngành, tức là họ đang làm hướng dẫn tiếng Anh nhưng mà vẫn dùng tiếng Hoa hoặc tiếng Hàn. Hiện nay, tại Đà Nẵng rất nhiều thành phần không phải là sitting guides nữa, mà họ lấy luôn leader (tức là tiếng Trung), họ qua đây làm việc luôn. Ở Đà Nẵng đang có một ngôi nhà trong khu phố, ở đó có 56 thành viên toàn người Trung Quốc chuyên làm leader tại Đà Nẵng. Khi mà du khách Trung Quốc qua Đà Nẵng thì họ lấy các thành viên trong nhà này để hướng dẫn cho du khách. Điều này, dẫn tới những hướng dẫn viên Tiếng Trung Quốc trên sẽ xuyên tạc, nói những điều không đúng sự thật tại Việt Nam và đặc biệt là tại Đà Nẵng.

Không chỉ dẫn đầu về thị trường khách quốc tế ở miền Trung, du khách Trung Quốc đến khu vực này phần lớn đều đi tour 0 đồng, sau đó bị dẫn dắt vào các điểm mua sắm riêng biệt với giá cao để nhà tổ chức tour thu lại lợi nhuận. Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết, đối với hướng dẫn viên thị trường tiếng Hàn Quốc, Nhật cũng rất khó kiếm trong mùa cao điểm. Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra là giải quyết bài toán nguồn nhân lực cần phải được chú ý để có thể phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai ở khu vực này.

Ông Đoàn Nam Long, Giám đốc Công ty Du lịch Nam Long Holiday chia sẻ nguồn nhân lực, đa số ở miền Trung hiện nay, về kiến thức cơ bản làm chuyên ngành còn ít và không có nhiều như ở miền Nam và miền Bắc.

"Các trường lớn như trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn hoặc trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cũng như các Trường có Khoa Du lịch sẽ tăng cường đào tạo thêm nhiều để cung cấp thị trường cho nguồn nhân lực cơ bản về kiến thức cho các dịch vụ miền Trung. Vào mùa cao điểm, hiện nay rất là khó kiếm hướng dẫn viên mặc dù các hướng dẫn viên ở miền Trung hiện nay rất nhiều, nhiều hơn cả hai đầu", ông Long hy vọng.

Mùa cao điểm du lịch của cả nước chuẩn bị bắt đầu. Các sản phẩm du lịch mới cũng đã được các đơn vị đầu tư để chào đón du khách. Các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng, điểm đến miền Trung sẽ thực sự mang lại cho du khách những chuyến đi như mong đợi. Tuy nhiên, với thực trạng thiếu hướng dẫn viên quốc tế chuyên các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc thực sự là nỗi lo. Một chiến lược đầu tư nhân lực bài bản, sự ưu đãi về thu nhập cũng như các chương trình phúc lợi là việc mà ngành du lịch các địa phương, các doanh nghiệp phải bắt tay thực hiện càng sớm càng tốt để khắc phục các thực trạng trên.