EVFTA: Nhiều ưu đãi nhưng tiêu chuẩn vào thị trường Châu Âu rất khắt khe

(VOH) - Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU: “EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện” do Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức sáng nay 30/7 tại TPHCM.

Theo đánh giá, Hiệp định này mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam và EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990. Trong gần 30 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đã không ngừng phát triển.

thị trường Châu Âu, tiêu chuẩn

Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU: “EVFTA: Chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện” sáng 30/7 tại TPHCM

Trong vòng 18 năm, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng hơn 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2000 lên gần 56 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 42 tỷ đô la Mỹ và nhập khẩu từ EU đạt gần 14 tỷ đô la Mỹ.

Đồng thời về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án và tổng vốn đầu tư đạt hơn 53 tỷ đô la Mỹ. Những kết quả đó đã đưa EU trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

thị trường Châu Âu, tiêu chuẩn

Lãnh đạo Trung ương, Thành phố, Đại sứ, Tham tán, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu và Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam, đông đảo các doanh nghiệp cùng dự.

Hiệp định Thương mại tự do EVFTA sẽ được các bên phê chuẩn và có hiệu lực từ cuối năm nay, mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Về xuất nhập khẩu, EU cam kết xóa bỏ dòng thuế đối với 99,2% dòng thuế, tương đương với 97% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU với lộ trình tối đa là 7 năm.

Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương với 99,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU sang Việt Nam với lộ trình 10 năm. Với nội dung lớn như thế, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của hai bên như: nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ của Việt Nam và ngược lại, Liên minh Châu Âu sẽ có rất nhiều cơ hội xuất khẩu máy móc, ô tô, dược phẩm, hóa chất và các mặt hàng khác sang Việt Nam”.

Đề cập đến cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, theo bà Nguyễn Sơn Trà – Phó trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), gạo và các sản phẩm từ gạo là mặt hàng Việt Nam rất có cạnh tranh, có kim ngạch xuất khẩu đáng kể, không chỉ xuất sang EU mà còn xuất khẩu đi toàn thế giới. Mặt hàng này EU đã dành tổng lực hạn ngạch là 80 ngàn tấn/năm cho Việt Nam.

Đối với các loại gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Riêng với gạo tấm thì EU đồng ý xóa bỏ thuế quan trong vòng 5 năm, riêng các sản phẩm từ gạo lộ trình xóa bỏ thuế quan từ 3 đến 5 năm: “Với các mặt hàng mà Việt Nam cũng có lợi thế xuất khẩu và có tiềm năng như rau củ quả tươi, chế biến, nước hoa quả tươi, các mặt hàng khác như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên thì trong khuôn khổ EVFTA thì EU cũng cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay cho Việt Nam kể từ thời điểm có hiệu lực.

Một số ít mặt hàng mà EU cho là nhạy cảm thì họ không xóa bỏ thuế hoàn toàn cho chúng ta tuy nhiên dành lượng hạn ngạch nhất định hàng năm với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, những mặt hàng đó vì dụ như về ngô ngọt, tỏi, các sản phẩm có lượng đường cao, sản phẩm về tinh bột sắn… thì đây là những mặt hàng mà chúng ta sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan sang EU khi mà Hiệp định EVFTA có hiệu lực”.

Từng xuất khẩu thanh long, chanh, dừa, chôm chôm, nhãn, trái cây nhiệt đới đi các thị trường Mỹ, EU, Du Bai, Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc và có nông trại trồng để xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Duẩn - Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển thương mại quốc tế Song Nam cho rằng, thị trường Châu Âu rất khắt khe, khó tính hơn cả thị trường Mỹ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi nông sản Việt Nam luôn tồn dư chất này.

Theo ông, cái khó nhất khi xuất sang Châu Âu là tìm sản phẩm sạch trong nước để xuất khẩu chứ đơn hàng thì không khó. Nếu một lô hàng xuất đi Châu Âu gặp vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ bị tiêu hủy ngay tại thị trường này, số tiền tiêu hủy lô sản phẩm này còn cao hơn cả tiền đầu tư xuất khẩu, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các sản phẩm tương tự tại thị trường Việt Nam.

Do đó ông đề xuất Chính phủ cần quy hoạch vùng nguyên liệu cho nông sản sạch:Chỉ Nhà nước mới quy hoạch vùng nguyên liệu trồng, nếu không trồng Nhà nước có thể cho người khác thuê. Doanh nghiệp bây giờ không có cách gì đủ tiền đi xuống gom đất. Thực sự câu chuyện về nông sản sẽ không có gì thay đối nếu Nhà nước không làm quy hoạch vùng nguyên liệu cho nông nghiệp sạch. Thật ra tôi nghĩ rất dễ, Bộ Công thương, các doanh nghiệp sẽ biết được nhu cầu một năm thị trường EU cần khoảng bao nhiêu loại chanh, dừa…”