Gần 50 doanh nghiệp tìm cơ hội nhập khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản vào Mỹ

VOH - Từ ngày 1 đến 7/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy dẫn đầu đoàn công tác gồm gần 50 doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nông nghiệp Việt Nam sang Mỹ.

Mục tiêu chuyến đi nhằm mở rộng hợp tác thương mại, tìm kiếm cơ hội nhập khẩu nông lâm thủy sản và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.

Hoạt động lần này là bước tiếp theo trong nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hướng đến cân bằng cán cân thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đẩy mạnh nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh của Hoa Kỳ như thịt, thủy sản nước lạnh, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và gỗ nguyên liệu.

thuy san_voh
Ảnh minh họa: Chinhphu

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Việt Nam và Hoa Kỳ đều là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhưng lại bổ trợ tốt cho nhau. Chuyến đi không chỉ nhằm tìm kiếm đối tác nhập khẩu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp hai nước.

Trước đó, tháng 9/2024, đoàn doanh nghiệp nông nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay từng đến Hà Nội, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Alexis Taylor dẫn đầu, với hơn 35 doanh nghiệp và 25 hiệp hội ngành hàng tham gia. Đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại nông sản song phương.

Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nông sản Việt Nam như gia vị, trái cây nhiệt đới, thủy sản và đồ gỗ nội thất. Ngược lại, Việt Nam đang có nhu cầu lớn nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến và chăn nuôi từ Hoa Kỳ. Trong đó có bột bã ngô, đậu tương, thịt, sữa, nguyên liệu gỗ và thiết bị chăn nuôi.

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ ở cả cấp liên bang, bang và hiệp hội doanh nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, đã có 18 bản ghi nhớ được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá 6 tỉ USD, trong đó 3 tỉ USD đã được thực hiện.

Chính phủ Việt Nam cũng liên tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ thâm nhập thị trường trong nước. Đến nay, đã hoàn tất thủ tục đăng ký cho hơn 500 doanh nghiệp Mỹ sản xuất và xuất khẩu thịt, 232 doanh nghiệp thủy sản vào Việt Nam. Hai nước đang tích cực đàm phán mở cửa thị trường trái cây và đã thống nhất quy trình kiểm dịch, an toàn thực phẩm minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản.

Bối cảnh hiện tại cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp hai bên. Việc Chính quyền Tổng thống Trump công bố áp thuế 10% với hàng xuất khẩu Việt Nam từ 2/4/2025, cùng khả năng tăng thuế đối ứng lên đến 46% từ 9/7/2025 đang gây lo ngại lớn. Các chuyên gia cảnh báo điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản đã được hai nước dày công xây dựng.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định nếu mức thuế này được thực thi, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với giá hàng nông sản tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đây là thách thức mà cả doanh nghiệp và Chính phủ hai bên cần nỗ lực đối thoại, tháo gỡ.

Dù đối mặt những khó khăn nhất định, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản công bằng, bình đẳng và bền vững. Các sáng kiến chung, như “Năm quốc tế Nữ nông dân 2026” hay hợp tác chuyển giao công nghệ nông nghiệp, đang giúp quan hệ song phương thêm gắn kết và thiết thực.

Chuyến thăm của đoàn Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam lần này được kỳ vọng không chỉ mở rộng cơ hội thương mại mà còn tăng cường niềm tin đối tác, vun đắp mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bình luận