Giá điện, xăng dầu tăng kéo CPI tháng 5/2019 tăng 0.49%

(VOH) - Giá xăng dầu, giá điện tăng, nhu cầu du lịch và và ăn uống ngoài gia đình ... là những yếu tố ảnh hưởng tới tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng năm.

Tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong mức tăng 0,49% của CPI tháng 5/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/5/2019 và thời điểm 17/5/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,25%.

giá xăng dầu tăng - người dân đổ xăng

Hình minh họa. P Nguyệt

Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân làm CPI tăng còn do kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao làm cho giá các mặt hàng này tăng hơn so với tháng trước.

Giá điện tăng do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện trong tháng 3/2019, cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng nên làm cho giá điện sinh hoạt tăng 6,86% và giá nước sinh hoạt tăng 1,17%.

Ngoài ra là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với chi phí đầu vào tăng nên giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như: sắt, thép, xi măng và giá nhân công xây dựng tăng theo.

Từ tháng 4/2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa năm học 2019 - 2020 làm cho chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,65%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 5/2019 tăng 1,5% so với tháng 12/2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số giá vàng tháng 5/2019 giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 2,27% so với tháng 12/2018 và giảm 1,02% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2019 tăng 0,45% so với tháng trước; giảm 0,01% so với tháng 12/2018 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2018.

Bình luận