Sự gia tăng giá gạo - lương thực chính của Nhật Bản, mức tăng lớn nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1971 - là do người nông dân chuyển chi phí lao động và phân bón tăng cao cho người tiêu dùng.
Giá gạo có xu hướng tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là ở khu vực thành thị, cũng một phần do nguồn cung hạn chế sau đợt nắng nóng năm ngoái và nhu cầu tăng cao từ các nhà hàng do lượng khách du lịch nội địa đông đảo.
Với số liệu giá tiêu dùng tại thủ đô Nhật Bản đóng vai trò là thước đo cho xu hướng quốc gia, các nhà phân tích dự đoán chi phí sẽ vẫn ở mức cao, làm tan biến hy vọng rằng, việc xuất hiện đợt gạo mới vào mùa thu có thể làm giảm giá.
Trong bối cảnh giá gạo tăng vọt, giá thực phẩm tại Tokyo đã tăng 3,8% vào tháng 10, Bộ Nội vụ và Truyền thông cho biết. Chi phí điện và giá khí đốt thành phố tăng lần lượt 4,0% và 1,8%. Hạt cà phê và thịt bò nhập khẩu cũng tăng lần lượt 16,6% và 14,1%...
Thủ tướng Shigeru Ishiba, người được bầu làm chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào cuối tháng trước, đã cam kết thực hiện các biện pháp kinh tế để giảm bớt tác động tiêu cực của giá cả tăng cao đối với các hộ gia đình sau cuộc bầu cử Hạ viện.
Hầu hết các đảng phái chính trị, bao gồm cả LDP, cũng tuyên bố trong cương lĩnh vận động tranh cử của mình rằng họ sẽ nỗ lực thúc đẩy các công ty tư nhân tăng lương cho nhân viên vì tốc độ tăng giá đã vượt xa tốc độ tăng trưởng tiền lương.
Tiền lương thực tế của Nhật Bản đã giảm 0,6% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong ba tháng và giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống biến động, đã tăng 2,4% vào tháng 9, theo dữ liệu của chính phủ.
Sự mất giá của đồng yên thường thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho sản phẩm của các công ty Nhật Bản rẻ hơn ở nước ngoài và đẩy giá trị doanh thu ở nước ngoài theo đồng yên lên, nhưng lại đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu lương thực và năng lượng.