"Thật điên rồ. Khoai tây luôn rất rẻ. Với mức giá này, tôi sẽ không mua chúng - tôi nghĩ sẽ có ít người mua", Tamara, một người về hưu 67 tuổi, cho biết bên ngoài một cửa hàng giảm giá Pyaterochka ở Moscow.

Pyaterochka - một chuỗi cửa hàng tiện lợi - bán khoai tây vụ cũ của Nga với giá 84 rúp (28.000 đồng) một kg và khoai tây vụ mới với giá 120 rúp (40.000 đồng) một kg. Vào thời điểm này năm ngoái, tại các cửa hàng bán lẻ, giá khoai tây trung bình chỉ là 43 rúp (14.000 đồng) một kg.
Giá hành tây, bắp cải, củ cải đường, cà rốt và các thành phần khác của súp củ cải đường, một món ăn phổ biến ở Đông Âu - thường được dùng để đo lường lạm phát thực phẩm, cũng tăng vọt.
Chính phủ đã phản ứng bằng cách tăng cường nhập khẩu. Ai Cập đã tăng gấp ba lượng khoai tây cung cấp cho Nga, trong khi Belarus, nhà cung cấp khoai tây dự phòng của Nga cho biết 'họ đã hết hàng'.
Trong khi ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, thực phẩm chiếm khoảng 14% giỏ hàng dùng để tính lạm phát thì ở Nga, thực phẩm chiếm tới 40% và giá khoai tây và các mặt hàng chủ lực khác tăng vọt là lý do chính khiến nước này phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt.
Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất chuẩn xuống 20% vào ngày 6/6 nhưng đó vẫn là mức cao nhất kể từ năm 2003.
Thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina nói: "Hàng ngày, mọi người không mua điện thoại thông minh và tivi. Họ mua thực phẩm. Nếu giá cả ở đó tăng nhanh hơn, nó sẽ tạo ra lạm phát cao".
Một nghiên cứu của viện nghiên cứu Romir cho thấy, các hộ gia đình Nga đã chi gần 35% thu nhập cho thực phẩm vào tháng 4, mức kỷ lục trong 5 năm thu thập dữ liệu và tăng so với mức 29% vào tháng 4 năm ngoái.
Nhóm nghiên cứu TsMAKP, đơn vị tư vấn cho chính phủ, ước tính lạm phát đối với người nghèo - được tính bằng chi phí thực phẩm, tiện ích và thuốc men cơ bản - đã vượt quá 20% vào tháng 4, cao hơn 10% so với tỷ lệ chính thức.
TsMAKP cho biết: "Giá thực phẩm liên tục tăng nhanh đã dẫn đến sự khác biệt đáng kể giữa chỉ số giá tiêu dùng của nhóm dân số thu nhập thấp và tỷ lệ lạm phát chung".