Chờ...

Giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng sẽ gây “khát” cho các công trình xây dựng

(VOH) - Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trong sản xuất trong quý 2 tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, ghi nhận chỉ số giá mặt hàng này tăng mạnh hơn 6%.

Ngành xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng đã và đang trải qua 8 tháng đầu năm 2022 đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Các yếu tố bất ổn trên vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vật liệu xây dựng trong giai đoạn này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất trong quý 2 tăng hơn 2% so với quý trước và tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, ghi nhận chỉ số giá mặt hàng này tăng mạnh hơn 6%.

Giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng sẽ gây “khát” cho các công trình xây dựng 1
Mùa hè xanh năm 2022, ở huyện Tam Nông- Đồng Tháp, đồng hành cùng Đại học Bách Khoa – ĐHQG-HCM, Sika đã đóng góp phụ gia bê tông để cùng các chiến sĩ xây dựng 10,100m đường giao thông nông thôn 3.

Theo các chuyên gia, ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 8% theo giá trị thực từ năm 2023 đến năm 2026. Tuy nhiên hiện nay, giá nguyên liệu có khả năng tiếp tục tăng cao do Việt Nam phụ thuộc vào các nguồn thứ 3 về nguyên liệu thô. Điều này cho thấy một thực trạng đáng lưu tâm về khả năng có thể xảy ra một “cơn khát” nguyên liệu trong tương lai.

Hoạt động trong lĩnh vực hóa chất xây dựng, chuyên cung cấp giải pháp toàn diện cho các công trình xây dựng và công nghiệp, doanh nghiệp với số vốn 100% của Thuỵ Sĩ với hệ thống 80 nhà phân phối toàn quốc, ông Jacobo Perez Polaino - Tổng Giám Đốc Sika Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã liên tục xây dựng quy trình, gia tăng năng lực cốt lõi, phát triển bền vững, góp phần giải quyết bài toán “khát” nhiên liệu của thị trường.

Theo đó, doanh nghiệp này đã đặt ra chỉ tiêu giảm 12% lượng khí thải CO2, tối đa hóa thị phần điện tái tạo, giảm 15% năng lượng tiêu thụ trên mỗi tấn bán ra và hạn chế tối đa lượng nước tiêu thụ để bảo vệ nguồn nước tự nhiên. Đồng thời, giảm lượng chất thải phát sinh để bảo vệ sự bền vững.

“Chiến lược của chúng tôi là tập trung cung cấp giải pháp đúng và cơ sở hạ tầng cho ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng đầy thủ thách ở Việt Nam và cho khắp thế giới. Để thành công, chúng tôi mạnh tay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Những năm qua, chúng tôi đã có hơn 50 bằng sáng chế cho sản phẩm mới, thi công mới, công nghệ mới, đón đầu một trong những xu thế mới là một trong những điều chúng tôi luôn chú trọng để phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn đề cao sự phát triển bền vững như: giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên ngày càng hiếm, cung cấp từng giải pháp để đáp ứng từng nhu cầu, từng thách thức liên quan đến các xu thế”, ông Jacobo Perez Polaino nói.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cũng cho hay: “Xu hướng năm nay là công nghiệp xanh, thứ hai là tiếp tục phát triển công nghiệp, tận dụng các chất thải để làm vật liệu xây dựng, giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường”.

Xi măng là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này nên sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước tăng đáng kể, đạt 42 triệu tấn. Nhu cầu trong nước phục hồi, song giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng cao đang gây áp lực cho các doanh nghiệp xi măng trong nước. Cụ thể, từ giữa tháng 6, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000 - 80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ ba trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần hóa dầu công nghệ cao cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã cắt giảm rất nhiều lợi nhuận của mình, cắt giảm chi phí không cần thiết, và tăng giá từ từ, tăng 10% rồi lên 15%”.

Cũng theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35 - 40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến gần 2/3 lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.

Cũng trong giai đoạn này, giá bán xi măng cũng đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng tại đây với công suất đạt gần 12 triệu tấn tại đây trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.

Trái ngược với đà tăng của xi măng, sau chuỗi ngày dài tăng liên tiếp từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu hạ nhiệt. Tương tự, sau 7 lần giảm liên tiếp trong thời gian gần đây, giá thép giảm đến 2,8 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện mặt bằng giá chung của các thương hiệu thép xây dựng đã về mức dưới 17 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT.

Việc giá thép giảm là điều đáng mừng, bởi ngành xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường vật liệu xây dựng, trong đó thép chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, những đợt hạ nhiệt giá thép những ngày gần đây cũng sẽ khó giúp nhà thầu xây dựng trong nước giảm bớt khó khăn, bởi ngoài thép thì hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như cát sỏi, gạch xây dựng đều tăng chóng mặt.

So với thời điểm đầu năm, giá các loại gạch xây dựng đã tăng 7 - 8%, gạch ngói tăng từ 8 - 10%, gạch ốp lát tăng đến 15%. Tương tự, cát sỏi cũng tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm. Sự tăng giá mạnh của các mặt hàng vật liệu xây dựng khiến những người có nhu cầu xây dựng thời điểm này phải cân đo đong đếm “túi tiền” bởi nhiều chi phí khác cũng tăng.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng vụ Vật liệu xây dựng nhìn nhận, giá vật liệu xây dựng tăng cao đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công của hầu hết các công trình xây dựng hiện nay. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ vì không thể giải ngân.  

“Vừa giá lên, nhưng than cũng khan hiếm để đáp ứng yêu cầu sản xuất, chính vì thế ảnh hưởng rất nhiều sản xuất…”, ông Phạm Văn Bắc nhìn nhận.