Giá thép xây dựng thế giới tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 10 nhân dân tệ lên 4.140 nhân dân tệ/tấn vào lúc 11h50, ngày 10 /5, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Hợp đồng thép thanh xây dựng của Trung Quốc nối dài đà tăng mạnh vào phiên giao dịch hôm nay vì các nhà đầu tư dự đoán Mỹ và Trung Quốc tiến gần hơn đến một thỏa thuận thương mại.
Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ngày đầu tiên trong hai ngày làm việc của cuộc đàm phán thương mại sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He cho biết chuyến đi lần này nhằm bày tỏ sự chân thành nhất từ Trung Quốc.
Trong khi đó, thứ Năm 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận được một bức thư từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tin rằng có thể đạt được thỏa thuận trong tuần này.
Trước ngày thứ hai của các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ sẽ tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sau 04h01 hôm nay (giờ địa phương).
Giá thép thanh Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.738 nhân dân tệ/tấn (tương đương 549,47 USD/tấn) tính đến 01h45 (giờ địa phương), ghi nhận mức tăng hằng tuần thấp nhất kể từ giữa tháng 2.
Hợp đồng thép cuộn cán nóng giao sau tăng 0,6% lên 3.684 nhân dân tệ/tấn.
Trung Quốc tuyên bố sẽ thắt chặt các quyết định phê duyệt về việc thay đổi công suất của các công ty thép và cấm tất cả các công ty áp dụng mức công suất mới dưới bất kì hình thức nào, điều này hỗ trợ giá thép tăng.
Theo dữ liệu từ Mysteel, chính quyền thành phố sản xuất thép hàng đầu Đường Sơn tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất.
Khối lượng thép dự trữ tại các cảng Trung Quốc giảm 273.000 tấn trong tuần này xuống còn 12,14 triệu tấn với khối lượng thép thanh giảm xuống còn 6,33 triệu tấn và thép cuộn cán nóng ở mức 2,13 triệu tấn.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất vào tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 0,6% lên 644,5 nhân dân tệ/tấn.
Giá than cốc mỡ giảm 0,3% xuống còn 1.357,5 nhân dân tệ/tán trong khi giá than cốc gioa sau tăng 0,6% lên 2.165,5 nhân dân tệ/tấn.
Giá sắt, thép trong nước tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn
Theo Bộ Công Thương, sau biến động tăng giá điện vào ngày 20/3/2019 và 2 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 4/2019, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh tăng giá sắt, thép từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Thông tin về tình hình sản xuất thép, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 4/2019, hoạt động sản xuất và kinh doanh thép xây dựng tiếp tục giữ ở mức ổn định; tiêu thụ thép tăng do thời tiết thuận lợi, nhiều công trình hạ tầng giao thông và bất động sản đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Lượng sắt thép thô ước đạt 1.884 nghìn tấn, tăng 64,6% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 517,9 nghìn tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 560,5 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, lượng sắt thép thô đạt 6.845 nghìn tấn, tăng 67,1% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1.970,6 nghìn tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 1.940,3 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu thép các loại trong tháng 4 tăng 17,4% về lượng và 6,1% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thép các loại tăng 10,8% về lượng và 3,9% về trị giá.
Thép Việt chịu thuế CBPG tối đa tại Malaysia là 13,68%
Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) vừa thông báo kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính đối với vụ việc Malaysia áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội.
Các sản phẩm này có mã HS: 7209.15 000, 7209.16 000, 7209.17 000, 7209.18 290, 7209.18 900 và 7225.50 00 và Mã AHTN: 7209.15.00, 7209.16.00, 7209.17.00, 7209.18.99, 7225.50.10 và 7225.50.90 nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo đó, MITI kết luận mức thuế chống bán phá giá rà soát áp dụng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là 2 - 13,68%.
Mức thuế này có hiệu lực từ 8/5/2019 đến ngày 23/5/2021.