Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, trong kỳ điều hành từ ngày 11/11, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore đã quay đầu tăng mạnh. Cụ thể, giá xăng RON 92 (dùng pha chế xăng E5 RON 92) bình quân trên thị trường Singapore là 45,77 USD/thùng, tăng 8% so với cùng kỳ trước; giá xăng RON 95 là 47,95 USD/thùng, tăng 10% so với kỳ điều hành trước. Giá dầu hoả và diesel tăng đột biến sau hai chu kỳ giảm liên tiếp, lần lượt là 46,09 USD một thùng và 47,99 USD một thùng.
Giá tại thị trường Singapore cao hơn chu kỳ trước 8-13% nên giá xăng dầu bán lẻ trong nước ngày mai có thể tăng 600-1.000 đồng một lít.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường là: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 13.885 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 14.701 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 10.838 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 9.562 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.091 đồng/kg.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TPHCM cho rằng, giá nhiên liệu nhảy vọt trong giai đoạn này do một số quốc gia có trữ lượng lớn đang muốn trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác vào đầu năm 2021. Việc này để ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới có thể xảy ra.
"Khả năng rất lớn giá nhiên liệu trong nước cũng ngắt mạch giảm hai kỳ liên tiếp", ông nhận định. Nếu không sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 600-700 đồng một lít, còn dầu hoả và diesel tăng 900-1.000 đồng.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước có lần đầu tiên đi lên sau 2 phiên giảm liên tiếp. Giá xăng E5 RON 92 sẽ vượt mức 14.000 đồng/lít, trong khi với RON 95 là vượt 15.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều khả năng cơ quan điều hành sẽ có sự điều chỉnh mức sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh việc giá các mặt hàng xăng dầu tăng mạnh.
Vừa qua, Bộ Tài chính cho biết trong quý III, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tiến hành trích lập tổng cộng 1.566 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi đó, tổng số tiền quỹ bình ổn phải chi ra trong thời gian này (từ 1/7 đến 30/9) cũng lên tới gần 1.504 tỷ.
Với chênh lệch trích lập - sử dụng như trên, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý III năm nay ước đạt 10.049 tỷ, mức cao kỷ lục kể từ khi được công khai vào năm 2013.
Ngoài ra, với số chi hơn 1.500 tỷ sau 3 tháng, bình quân mỗi ngày quỹ bình ổn đều phải chi ra gần 17 tỷ cho hoạt động bình ổn giá mặt hàng xăng dầu.