Tới đầu tháng 3/2022, giá gas bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg khiến nhiều hàng quán đang cố giữ giá cũng buộc phải tăng giá.
Tại một số cửa hàng thực phẩm, mặc dù các sản phẩm được điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% song giá bán thực tế đến tay người tiêu dùng hầu như không đổi bởi giá hàng hóa đã tăng. Các gia đình có con nhỏ còn đối mặt với nỗi lo sữa bột và sản phẩm dành riêng cho trẻ tăng giá.
Giá nhiều loại thực phẩm tăng lên, như nhóm mặt hàng rau củ quả đã tăng thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Giá các thực phẩm, hải sản, thịt heo... ở các chợ đầu mối chỉ cần nhích lên thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg thì khi về đến chợ truyền thống sẽ phải tăng lên thêm 5.000 - 7.000 đồng/kg vì chi phí vận chuyển tăng, giá nhân công cũng tăng.
Giá xăng tăng, những tài xế xe ôm cũng rất khốn đốn vì một ngày chạy xe kiếm không còn được bao nhiêu tiền. Ông Trần Thanh Tâm, chạy xe ôm quanh khu vực Thủ Đức cho biết: “Lúc trước đổ đầy bình là 80 ngàn, giờ là hơn 100 ngàn đồng. Xăng tăng như vậy, ngày chạy xe chỉ còn dư 50-60 ngàn thôi. Hôm nay là đủ tiền ăn chứ không có dư".
Ông Đặng Minh Vương, tài xế công nghệ cũng bày tỏ: “Ví dụ như ngày chạy 400 ngàn lúc giá xăng bình thường, mình kiếm được 250 ngàn đồng, giờ xăng kiểu này mình còn có 200 ngàn. Xăng lên ảnh hưởng rất nhiều, vật giá giờ cái gì cũng lên. Hai vợ chồng, hai đứa con ngày 200 ngàn đâu có đủ, chỉ đủ được tiền ăn trong ngày”.
Ở góc nhìn chuyên gia, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng: “Bài toán kiểm soát lạm phát, chính phủ phải dành nguồn lực để kiểm soát giá xăng dầu. Đôi lúc chúng ta phải chấp nhận có những yếu tố điều chỉnh phi thị trường nhưng tạo ra sự ổn định cần thiết. Trước mắt có thể giảm các thuế phí liên quan tạo bình ổn, không để cú sốc. Cơ chế điều hành phải linh hoạt hơn”.