Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải pháp chuyển đổi số toàn diện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế

(VOH) - 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số.

Ngày 28/4, tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số toàn diện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (VCCI HCM) phối hợp với công ty TNHH Mediastep Software Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số.

Các diễn giả chia sẻ về các giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp)
Các diễn giả chia sẻ về các giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường, doanh nghiệp nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế và gặt hái được nhiều thành công so với sản xuất, kinh doanh truyền thống.

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI TPHCM cho biết, tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra ở hầu hết loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau.

Năm 2020, VCCI đã thực hiện khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có kỳ vọng lớn đối với quá trình chuyển đổi số.

Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một sự khác biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh hơn và tin tưởng vào kết quả tích cực của chuyển đổi số hơn. Cũng theo khảo sát của VCCI, có đến 90% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc chuyển đổi số chưa thành công.

Theo chia sẻ thực tế từ các chuyên gia, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần thực hiện chuyển đổi số theo tình hình thực tế tại doanh nghiệp ở các khâu, bộ phận.

Với kinh nghiệm thực tế, ông Tom Peng, Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH Mediastep Software Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần mạnh dạn tiếp cận với thương mại điện tử.

Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, những ứng dụng, công cụ số đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, kết nối bổ trợ lẫn nhau giữa mô hình bán hàng offline và trực tuyến, giúp nhà bán hàng nhanh hơn, doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.  

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 6/2021, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc. Đứng sau Facebook là Zalo với gần 60 triệu người dùng. Đó là một nguồn khách hàng tiềm năng .

Theo ông Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc kinh doanh Goexport, điều cần nhất là doanh nghiệp phải có một gian hàng online trên không gian mạng; Kết nối những nền tảng thương mại điện tử lớn để tận dụng các tiềm năng sẵn có như sớm nắm bắt được nhu cầu của thị trường, kinh nghiệm xuất khẩu, nhân sự vận hành, năng lực chuỗi cung ứng, linh hoạt lựa chọn sản phẩm…từ đó thúc đẩy phát triển bán hàng và gia tăng doanh số.

Một chia sẻ thêm về giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân - Giám đốc kinh doanh Gosell cho rằng, với 70% tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến những website uy tín, 41% người tiêu dùng quan tâm đến các chương trình khuyến mại,…vì vậy trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh đa kênh : online và offline.

Các chính sách khuyến mại phải được thực hiện đồng bộ trên các kênh bán hàng nhằm thu hút và tăng tỷ lệ khách hàng quay trở lại với thương hiệu mình.

Bình luận