Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải pháp nào để tăng sức hút cho du lịch Đồng Tháp Mười?

(VOH) - Nhằm tạo sản phẩm đặc trưng về du lịch của khu vực Đồng Tháp Mười, chiều 23/3, tại TPHCM, đại diện chính quyền 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã ngồi lại cùng nhau để tọa đàm, trao đổi ý kiến nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng.

Tạo điểm nhấn

Xét về khoảng cách địa lý, từ TPHCM về khu vực Đồng Tháp Mười không quá xa, tiềm năng du lịch thì nhiều nhưng chưa được khai thác hợp lí. Lí do mà các đại biểu phân tích là các sản phẩm du lịch cứ “na ná” nhau, chỉ cần đi một tỉnh là đã có thể cảm nhận và trải nghiệm được đầy đủ văn hóa của đời sống bản địa.

Theo ông Nguyễn Minh Quyền, Giám đốc phát triển du lịch, Bến Thành Tourist cho biết: điều cần thiết là mỗi tỉnh phải có một sản phẩm riêng. Ví dụ như mô hình tát ao bắt cá khá hút khách ở Tiền Giang, xong cho tới nay sản phẩm này trở nên nhàm chán vì đi đâu cũng thấy từ Bến Tre, Cần Thơ, cho đến Vĩnh Long, Bạc Liêu.

“Như đặc sản của Tiền Giang bây giờ có thể kể như hủ tiếu Mỹ Tho, vú sữa Lò rèn hay là bún gỏi, gạo Tân Phong hay gánh giá… Tất cả đặc sản đó nên làm lại để làm sao mọi du khách khi tới Tiền Giang đều được thưởng thức các món này. Khi xuống đến Long An thì phải ăn được canh chua cá chốt, cá lóc nướng trui hay lẩu mấm hoặc là gạo nàng hương chợ Đào, lạp xưởng, đế Gò Đen.. Đồng Tháp thì có cá rô quá trời ở Gáo Giồng rất ấn tượng đối với du khách. Những gì đặc trưng đó của địa phương chính là điểm nhấn có thể tạo thành gu cho khách người ta đến - ông Quyền phân tích thêm.

Du khách nước ngoài thích thú xem mô hình nuôi ong lấy mật ở Tiền Giang.

Người dân phải tham gia

Về quy hoạch phát triển du lịch chung của khu vực Đồng Tháp Mười, ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty du lịch Exotic chỉ rõ: cái sai điển hình ở Long An là việc xây dựng làng nổi Tân Lập làm khu du lịch sinh thái nhưng đã vô tình loại bỏ người dân ra khỏi hoạt động du lịch, trong khi đáng ra phải cho họ tham gia vào hoạt động của ngành mới tăng tính hấp dẫn, trải nghiệm cho du khách. Không có người dân, Làng nổi Tân Lập nói riêng cũng như cả khu vực Đồng Tháp Mười nói chung chưa phát triển được ngành công nghiệp không khói này.

Ông Phương chia sẻ: “Hiện nay chúng ta đang trong trạng thái đóng cửa chờ đó chứ chưa có hoạt động chính thức. Bây giờ, chúng ta phải làm cho Tân Lập này sống dậy bằng sức sống của người dân địa phương chứ không phải một nhà đầu tư ABC nào đó, bởi nhà đầu tư vào chưa chắc có thể trụ lại được mà chủ yếu họ vào để kiếm lời. Tuy nhiên, sự kiếm lời đó đôi lúc sẽ mâu thuẫn với việc bảo tồn và phát huy văn hóa ở địa phương. Chính lúc này, chúng ta nên mời người dân vào cùng kinh doanh, cho họ thuê đất, sản xuất theo yêu cầu của mình trên vùng đất mênh mông ấy. Qua đó, chúng ta có thể làm du lịch được. Khi đó, tôi nghĩ là nó sẽ thành công”.

Đón khách ở các cửa khẩu

Không chỉ nhắm đến thị trường du khách trọng điểm của TPHCM hay cả nước, một số đại biểu cũng đề cập việc nghiên cứu phát triển khu vực Đồng Tháp Mười để thu hút khách quốc tế, mà đặc biệt là khách Campuchia với khu vực cửa khẩu Bình Hiệp của tỉnh Long An. Việc đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh ở cửa khẩu cũng sẽ giúp cho sức hút của điểm đến như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp lôi cuốn hơn đối với du khách. Đi liền với đó là công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch để công chúng biết đến.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Lý Khắc Vinh, Trưởng phòng kinh doanh tiếp thị, Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn cho biết: Khu vực Đồng Tháp Mười này chúng tôi thấy cũng có cửa khẩu quốc tế. Do đó, việc đón khách vào cửa khẩu quốc tế của khu vực Đồng Tháp Mười vẫn là nguồn khách hết sức quan trọng để chung ta có thể tăng thêm lượng khách.

Ngay sau tọa đàm, ngành du lịch 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp cũng triển khai ký kết bản ghi nhớ về liên kết xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch riêng biệt nhằm tăng sức hút cho cả vùng để từ đó tiến tới hình thành những tuyến, tour đặc trưng cho du khách. Nếu như đồng Tháp lấy biểu trưng là hoa sen, Long An chọn biểu trưng là du lịch từ hương tràm, thì Tiền Giang cũng có thể chọn biểu tượng như vú sữa lò rèn hoặc cây dứa…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng mong muốn điều quan trọng hơn cả là làm sao những ý kiến đóng góp tại tọa đàm không chỉ ghi lại trên giấy và nằm trên bàn làm việc, mà phải được triển khai ngay. Có như vậy du lịch Đồng Tháp Mười mới phát triển.

Bình luận