Giải quyết ách tắc, tăng kết nối từ vùng sản xuất đến xuất khẩu

(VOH) - TPHCM đang xây dựng đề án phát triển logistics đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Giải quyết ách tắc, tăng kết nối từ vùng sản xuất đến vùng xuất khẩu là vấn đề được đặt ra cho ngành logistics.

Chiến lược đề ra là phát triển cụm ngành logistics, chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng kết nối từ vùng sản xuất đến vùng xuất khẩu, đưa TPHCM thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của vùng. Qua đó, giúp TPHCM nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia.

Theo đề án, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TPHCM vào khoảng 95.800 tỷ đồng. Trong khi đó, phát triển logistics tại TP.HCM đang gặp nhiều thách thức do hạ tầng không thể đáp ứng nhu cầu phát triển, thậm chí trở thành điểm nghẽn.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI đầu tư vào logistics phục vụ cho thương mại điện tử, nếu doanh nghiệp Việt Nam không liên kết, tạo thành một hệ thống các dịch vụ khép kín để cạnh tranh thì nhiều khả năng sẽ bị mất thị phần ngay trên sân nhà. VOH đã phỏng vấn ông Đinh Ngọc Thắng, Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM.

ông Đinh Ngọc Thắng, Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM.

*VOH: Thưa ông, doanh nghiệp logistics đang đối diện với bài toán chi phí tăng cao do nhiều tác động khác nhau, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây. Chưa kể các thủ tục quản lý chuyên ngành cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp?

Ông Đinh Ngọc Thắng: Thực trạng hiện nay đang khó khăn cho các doanh nghiệp logistics đó là thủ tục về khâu quản lý chuyên ngành, tăng chi phí thời gian về logistics, chi phí về cơ hội. Do vậy, chính vì yếu tố đó, trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan đã chủ động tổng hợp các kiến nghị, cùng với Hiệp hội logistics, Hiệp hội Xuất nhập khẩu, với kiến nghị Chính phủ trực tiếp giao cho Bộ Tài chính, và Bộ cũng giao cho Cục Hải quan thành lập Cục đăng kiểm để thay cho chức năng nhiệm vụ đối với một số lĩnh vực của các bộ ngành hiện nay đang kiểm tra, cùng một số lĩnh vự thuộc về vấn đề an toàn đối với sức khỏe con người thì nó vẫn nằm trong hoạt động cơ quan quan lý của các cơ quan này.

Tuy nhiên, theo một xu hướng giảm dần, những tỉ lệ kiểm tra hàng hóa giữa Việt Nam và các nước mà có hợp tác kể cả các nước châu Âu, Đức… Tôi nghĩ rằng trong thời gian sắp tới, tỉ lệ hoặc là thực hiện quản lý chuyên ngành sẽ giảm rất nhiều. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí về cơ hội và tiền bạc.

*VOH: Với những khó khăn mà doanh nghiệp logistics phải đối diện, với vai trò của mình, Cục Hải quan TPHCM đã hỗ trợ gì cho họ để giảm bớt khó khăn?

Ông Đinh Ngọc Thắng: Trước đây cũng như hiện nay chúng tôi luôn có khẩu hiệu: Cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp logistics là đối tác tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp sau khi phục hồi kinh tế. Cụ thể hóa vấn đề đó, trước dịch, chúng tôi đã chủ động ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh để phục vụ hàng hóa phòng chống dịch Covid-19; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kết nối mọi lúc mọi nơi. Do vậy, cơ bản đã giải quyết được, không để lại ách tắc.

Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu kể cả cảng biển qua TPHCM làm thủ tục là hơn 116 tỷ đô la Mỹ, tức là tăng trưởng 16% so với năm 2020 bất chấp dịch và những khó khăn khác, kể cả luôn trong khi phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi bị giãn cách, có những cách quản trị, điều hành trong vấn đề này, nên trong cách lãnh đạo, chỉ đạo, từ lãnh đạo cấp cao đến viên chức, công chức đều thông thoáng, cho nên tất cả những vướng mắc của doanh nghiệp đều được giải quyết.

Thứ hai, để giải quyết một cách căn cơ, trong quá trình đó, chúng tôi cũng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nội dung nào của Cục chúng tôi sẽ giải quyết ngay, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ và UBND Thành phố chúng tôi kiến nghị để tháo gỡ.

Qua xem xét, chúng tôi thấy, mặc dù quyết tâm của lãnh đạo Hiệp hội logistics rất lớn nhưng vẫn còn những hạn chế. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng từ trong cảng và ở ngoài, giao thông rất khó khăn. Thứ hai, khả năng về kinh tế vốn kể cả nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc hầu như không nhiều, cơ bản là những công việc đơn giản để phụ vụ cho doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể là không có đội tàu sà lan, tàu biển hay hàng không, kể cả kho bãi để phục vụ cho logistics, hầu như các doanh nghiệp tại TPHCM cũng không được hình thành tại TPHCM mà phải sang các tỉnh lân cận. Do vậy chi phí vận chuyển logistics sau khi làm thủ tục hải quan xong sau khi vận chuyển về thì lại rất tốn kém.

*VOH: Cục Hải quan TPHCM từng đề xuất UBND Thành phố mở trung tâm đăng ký tờ khai, Trung tâm này đem lại những lợi ích nào cho doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Thắng: TPHCM hiện nay cũng như cả nước cũng đang có chủ trương rất lớn về vấn đề khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đẩy mạnh về vấn đề chính sách pháp lý kể cả tháo gỡ rào cản để tạo ra xu hướng đầu tư theo xu hướng mới. Quan trọng nhất là chính phủ và UBND Thành phố có quyết tâm rất lớn hiện đang ban hành hệ thống văn bản pháp Luật, kể cả đưa ra một chương trình, kế hoạch cụ thể, xem ngành logistics là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, và hiện nay, các doanh nghiệp logistics và Thành phố nói riêng có quyết tâm để làm sao xây dựng ngành này thành kinh tê mũi nhọn để góp phần vào phát triển GDP Thành phố.

Xin cảm ơn ông!