Gỡ khó cho doanh nghiệp vụ hãng tàu HJS đệ đơn phá sản

(VOH) - Ngày 23/9, tại TPHCM, Cục Xuất Nhập khẩu và Cục Hàng hải họp với đại diện doanh nghiệp, đơn vị chủ hàng, cảng biển liên quan đến sự vụ hãng tàu Hanjin Shipping Global (HJS) của Hàn Quốc đệ đơn xin phá sản. 

Hãng tàu Hanjin Shipping Global (HJS) của Hàn Quốc

Đại diện nhiều công ty (giao nhận vận tải, chủ hàng, hoa tiêu, cảng biển) kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu và Cục Hàng hải Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác nhận công nợ của HJS, phong tỏa, tạm giữ tài sản của HJS để gây áp lực đối với HJS qua đó giảm nhẹ thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay có nhiều container không phải là tài sản của HJS mà của các đơn vị khác cho thuê lại. Việc bắt giữ, cầm giữ tàu của HJS tại Việt Nam phải có lệnh của tòa án. Trong thời gian đó, các cảng Việt Nam cần cho phép tàu của HJS cập cảng, giải phóng nhanh hàng hóa để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện VASEP còn hơn 150 container hàng (xuất khẩu đông lạnh, chủ yếu đến Mỹ) do HJS vận chuyển lênh đênh trên biển nhưng không biết tình trạng như thế nào, có thông quan được hay không, có dỡ đúng hạn và giao cho khách hàng hay không. Ông Hòe đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải gây áp lực để HJS cung cấp thông tin tình trạng hàng hóa, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động xử lý tình huống cũng như tiến hành thương lượng, vớt vát thiệt hại. 

Bà Bùi Thị Liên Thủy, Công ty TNHH TM – DV giao nhận vận tải Hải Bằng phản ánh, khi xảy ra sự vụ HJS chủ hàng sẽ đứng trước nguy cơ mất hàng, công ty giao nhận sẽ bị phạt hợp đồng. Để xử lý tình huống này, bắt buộc công ty phải tiến hành thủ tục rút hàng container mà tàu của HJS chở tại cảng ở Singapore để thuê đơn vị vận tải khác vận chuyển với chi phí lên đến 3.000 USD/container. 

Theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hệ lụy sự vụ HJS mang tính toàn cầu do đó rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước là không thể tránh khỏi. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp. Cục Hàng Hải khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm kiếm giải pháp xử lý hàng hóa trong container ở ngoài lãnh thổ, khuyến khích cảng biển cho HJS đưa tàu biển vào để sớm dỡ hàng xuống cảng.. 

Thống kê của hãng tàu Hanjin Việt Nam, tính đến ngày 6/9, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có 1.516 container nhập khẩu đang ở các bến cảng, 432 container nhập khẩu đang ở kho của khách hàng, 1.323 container xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu. 

Hãng tàu HJS hoạt động chuyên tuyến vào khu vực cảng biển TPHCM với tần suất 3 – 5 chuyến/tuần, trong đó cảng Cát Lái chiếm 2-3 chuyến/tuần, cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) 1 chuyến/1-2 tuần, Tân cảng Hiệp Phước khoảng 1 chuyến/1-2 tuần. Riêng với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, HJS đang nợ khoảng 50 tỷ đồng. 

Theo thông báo của HJS, 23 tàu của HJS đang đậu gần bến cảng của 23 quốc gia trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu cũng như hãng tàu HJS không dám cho tàu cập cảng vì sợ bị bắt giữ.