Để quản lý lực lượng lao động này, ngành chức năng, doanh nghiệp và người lao động đang thực hiện theo Nghị định 152 của Chính phủ để cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo các hồ sơ, thủ tục liên quan theo quy định.
Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố vừa tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp Doanh nghiệp-Chính quyền Thành phố, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài đúng luật.
Theo đại diện Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam hỏi: Công ty có trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh tại văn phòng TPHCM. Vậy trường hợp Công ty mẹ ủy quyền cho Giám đốc Nhân sự ký hồ sơ cho cả trụ sở chính lẫn chi nhánh Hồ Chí Minh thì có được hay không?
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời: Đối với việc ủy quyền, là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu Giám đốc chi nhánh được Công ty mẹ ủy quyền và không đề cập đến ủy quyền cho bên thứ ba thì Giám đốc Chi nhánh không được ủy quyền tiếp cho người khác.
Với thắc mắc người nước ngoài đã có Giấy phép lao động làm việc tại trụ sởTPHCM. Sau một thời gian thì doanh nghiệp điều chuyển về chi nhánh khác địa phương để làm việc với cùng vị trí và chức danh. Chi nhánh này không có con dấu pháp nhân riêng thì người nước ngoài có thể tiếp tục sử dụng Giấy phép lao động làm việc tại trụ sở hay không ?
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP trả lời: Theo quy định, người lao động nước ngoài phải làm việc đúng theo địa điểm đã ghi nhận trên giấy phép lao động. Trong trường hợp người lao động làm việc cho chi nhánh thì cần thực hiện giấy phép lao động tại địa điểm chi nhánh.