Hỗ trợ, phát huy các hợp tác xã kiểu mới phát triển bền vững

(VOH) - Hiện nay, nhiều hợp tác xã kiểu mới đã được hình thành và phát triển khá bài bản. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ từ các cấp, các ngành có liên quan.

Hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có sự thay đổi mới về bản chất so với các Hợp tác xã kiểu cũ. Trong đó Hợp tác xã kiểu mới là một đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên; Hợp tác xã phát triển trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong nông nghiệp, giao thông vận tải, tín dụng…Thành viên thực sự vừa là chủ, vừa là khách hàng của Hợp tác xã thông qua quy định góp vốn, sử dụng dịch vụ của Hợp tác xã. Việc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã không bị giới hạn trong địa giới hành chính cấp xã, phường, mà có thể trong phạm vi liên xã hoặc toàn huyện, tùy theo yêu cầu và năng lực thực tế.

VOH có phỏng vấn với ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chung quanh công tác hỗ trợ phát triển các hợp tác xã này.

Hỗ trợ, phát huy các hợp tác xã kiểu mới phát triển bền vững 1
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác - PTNT (Bộ NN-PTNT).

*VOH: Thưa ông, hiện nay có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của các hợp tác xã kiểu mới liên quan đến việc hoàn thiện các chuỗi giá trị của các hợp tác xã hiện nay?

Ông Lê Đức Thịnh: Trước hết phải nói là các hợp tác xã kiểu mới hiện nay khi thành lập và hoạt động thì nó giúp nông dân tham gia vào thị trường hiệu quả. Trong quá trình tham gia vào thị trường thì việc sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, đạt được những chất lượng mà thị trường yêu cầu thì có rất nhiều công đoạn. Đồng ruộng thì các hộ nông dân, các thành viên hợp tác xã đã cố gắng thực hiện nhưng mà sau quá trình thu hoạch, liên kết với các đối tác bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm thì Hợp tác xã đóng vai trò là đầu mối phân loại, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm. Tổ hợp hợp tác xã này sẽ giúp cho các thành viên trong hợp tác xã trong việc phân loại, sơ chế, chế biến, rồi đóng gói, bảo quản để nâng cao giá trị một bước cho sản phẩm nông sản. Nó cũng làm tăng giá trị hoặc tăng thu nhập thông qua việc sơ chế, chế biến các sản phẩm, làm cho các giá trị gia tăng của các sản phẩm tăng lên và cái này sẽ được giữ lại ở hợp tác xã và được chia lại một phần cho bà con nông dân, và chính như thế sẽ nâng cao được thu nhập cho bà con nông dân lên. Như vậy hợp tác xã vừa là chỗ làm tăng giá trị sản phẩm, vừa là chỗ để mà chúng ta tăng thu nhập cho bà con nông dân thông qua việc tích hợp giá trị gia tăng của khu sơ chế, chế biến với lại giá trị gia tăng từ sản xuất đem lại.

*VOH: Từ hiệu quả của mô hình hợp tác xã kiểu mới này trong thời gian tới, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy mô hình này như thế nào? Đặc biệt là công tác kêu gọi, tập hợp người dân tham gia vào các mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Ông Lê Đức Thịnh: Xét cho cùng nông dân muốn vào hợp tác xã thì người ta cần phải thấy được lợi ích, trong đó lợi ích kinh tế, rồi các lợi ích khác mà kinh tế xã hội mang lại cho người dân. Các lợi ích kinh tế vào hợp tác xã được tăng thu nhập thì nông dân sẽ hưởng ứng. Tuy nhiên để nông dân hưởng ứng thì cần việc tuyên truyền những mô hình như thế này, bằng những bằng chứng cụ thể, mô hình cụ thể chúng ta tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia hợp tác xã. Tôi cho rằng là việc vận động, truyền thông, thông tin là bước quan trọng nhất về mặt giải pháp.

Việc thứ 2 là chúng ta rất cần các giám đốc hợp tác xã, các nhà quản lý hợp tác xã mà họ có đủ năng lực và kỹ năng để mà quản trị hợp tác xã một cách minh bạch. Và như thế thì câu chuyện đào tạo, câu chuyện huấn luyện để có sự lựa chọn các nhà quản lý, các giám đốc hợp tác xã thì Bộ Nông nghiệp đã tính đến chuyện này.

Vấn đề thứ 3 là yêu cầu rất nhiều cho sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ các cơ quan chuyên môn để có thể cấp chứng nhận, xác nhận mã số vùng trồng cho các chuỗi này hoạt động cũng rất là quan trọng.

Thứ tư là các mô hình hợp tác xã mang quy mô lớn cả về thành viên cũng như là doanh thu, đa dạng hóa các hoạt động thì cũng yêu cầu sự phát triển vượt qua các giới hạn của các địa giới hành chính cấp huyện, cấp tỉnh, ở đây cần 1 sự thống nhất từ nhiều cấp, trong đó sự ủng hộ của các ban ngành, các chính quyền kể cả các hệ thống như là tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia vận động nhân dân cùng tham gia hợp tác xã, thậm chí là tham gia giám sát hoạt động hỗ trợ cho hợp tác xã. Nói tóm lại cơ sở vật chất là cần thiết, là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ của nó là liên quan đến các phần mềm, liên quan đến chất lượng, năng lực quản trị, liên quan đến ý thức của bà con nông dân trong việc xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thị trường yêu cầu, rồi nó liên quan đến dịch vụ công của cơ quan nhà nước để hỗ trợ cho chuỗi giá trị hình thành trong đó có hợp tác xã.

*VOH: Với vai trò là cơ quan tham mưu thì đơn vị đã có những giải pháp hỗ trợ cụ thể nào cho các hợp tác xã này, thưa ông?

Ông Lê Đức Thịnh: Về mặt khung pháp lý thì chúng tôi cùng với các bộ ngành ban hành một loạt các quy định về chương trình phát triển hợp tác xã, về chiến lược phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã 2020-2030, tầm nhìn 2045. Chúng tôi cũng tham mưu để chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới ở các địa phương, kêu gọi các địa phương, đối tác nước ngoài, quốc tế cùng tham gia vào để hỗ trợ xây dựng để làm các mô hình tuyên truyền, vận động thì đây là về mặt khung pháp lý.

Đối với các hoạt động cụ thể về việc hỗ trợ các hợp tác xã về mặt chuyên môn thì những câu chuyện như là tuyên truyền thì chúng tôi cũng có kế hoạch, chương trình để tuyên truyền về kinh tế tập thể và hợp tác xã xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo giám đốc các hợp tác xã đưa vào các trường đại học, đưa vào các trường nghề để đào tạo, thay đổi một bước về phương thức đào tạo, chúng tôi làm việc với các tổ chức ngân hàng, các tổ chức bảo hiểm để hợp tác trong các chương trình hỗ trợ hợp tác xã và cuối cùng được tập hợp trong giải pháp là đề án phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở trong cả nước.

*VOH: Cám ơn ông