Hội nhập: Doanh nghiệp cần xây dựng giá trị thương hiệu

(VOH) - Tại hội thảo "Nâng cao khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động” diễn ra ngày 28/12 tại TPHCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có 1 số FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu. Những Hiệp định thương mại tự do này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam.

Đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, khi tham gia, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhất, tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng thêm 23,5 tỷ vào năm 2020, xuất khẩu tăng 68 tỷ vào năm 2025.

Tương tự, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên Minh châu Âu cũng sẽ đem lại những cơ hội lớn về xuất khẩu. Bởi trong giai đoạn từ nay cho đến 2020, các FTA thế hệ mới sẽ xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác lớn như Mỹ và EU. Điều này giúp mở rộng thị trường hàng hóa cho Việt Nam, đồng thời đa dạng thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu truyền thống.

Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực thì cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phái chú ý đến việc xây dựng giá trị thương hiệu để đủ sức cạnh tranh.

"Đối với TPP nói riêng và các FTA nói chung thì các chuỗi về xuất xứ, sản xuất, phân phối... các doanh nghiệp nên cố gắng khép mình vào trật tự chung này để có sự phát triển bền vững hơn. Khi chúng ta nằm trong một chuỗi bền vững thì nhận được các giá trị rất cao, tạo ra những thương hiệu mạnh, có sức đột phá, cạnh tranh cao. Các FTA thế hệ mới đang chú ý rất nhiều đến các thương hiệu mạnh. Giá trị thương hiệu lớn gấp nhiều lần, thậm chí gấp 10 lần, 20 lần so với giá trị thật mà họ đã bỏ ra đầu tư", Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế - Giám đốc R&D Viện kinh tế và quản lý TPHCM, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, do đó để các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh thì cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Quan trọng là hỗ trợ vốn, hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng mạng lưới tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp ở những vùng, địa phương còn nhiều khó khăn.