Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam” lần 2 năm 2022 được tổ chức nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ, cũng như tạo cơ hội giao lưu, kết nối quan hệ đối tác thương mại cho công đồng doanh nghiệp hai nước.
Chủ đề của hội thảo lần này là cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường xuất nhập khẩu giữa hai nước, đặc biệt ở thời kỳ hậu Covid-19.
Các đại biểu tham dự hội thảo bao gồm: Về phía Ấn Độ là ông R.O. Sunil Babu - Lãnh sự/ Chánh văn phòng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM; ông Ashish Jain - Trưởng phòng Tiếp thị & Bộ phận Nghiên cứu, Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO); bà Sai Sudha Chandrasekaran - Phó Chủ tịch Invest India và ông Gunadhar Sena, Tổng Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Ấn Độ tại TPHCM (BoI).
Về phía Việt Nam, các đại biểu tham dự gồm ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Tổng Giám đốc VCCI-HCM; ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi và bà Lê Thị Mai Anh - Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi thuộc Bộ Công Thương cùng với đại diện các Sở ban ngành khác từ TPHCM và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp của aaẤn Độ và Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực xuất nhập khẩu quan trọng.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI kiêm Tổng Giám đốc VCCI-HCM cho biết, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian qua đã tang trưởng đáng kể, với tốc độ tăng bình quân hàng năm gần 16%. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thương mại song phương năm 2021 đã tăng gần 37% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Ông cũng nhấn mạnh rằng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tham gia và hợp tác bằng cách tổ chức nhiều sự kiện/ hoạt động xúc tiến thương mại tập trung vào các lĩnh vực khác nhau.
Ông R.O. Sunil Babu, Lãnh sự/ Chánh văn phòng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM chia sẻ rằng Ấn Độ và Việt Nam có quan hệ song phương bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử và trong hai thập kỷ qua, quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước đã tăng trưởng theo cấp số nhân từ mức 200 USD triệu vào năm 1999 – 2000 lên 13 tỷ USD vào năm 2021 và hai nước đã đặt mục tiêu đạt 15 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong thời gian sớm nhất. Ông cũng khẳng định Ấn Độ và Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đón đầu sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hậu COVID và khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tiếp tục phát triển hợp tác.
Ông Ashish Jain, Trưởng bộ phận Tiếp thị & Nghiên cứu, Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), đã phân tích về thương mại song phương giữa hai nước và chia sẻ về nhiều sản phẩm có tiềm năng phát triển và chiếm lĩnh thị trường hơn nữa. Theo ông Ashish Jain, trong thời gian tới, FIEO sẽ tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu thị trường Việt Nam thông qua khai thác trở lại các đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương nhận xét thị trường 1,5 tỷ dân của Ấn Độ có tiềm năng rất lớn. Bà cũng cho biết thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua và thông tin rằng ngành chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, nông thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm là những lĩnh vực mà Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều dư địa để hợp tác và có thể bổ sung tốt cho nhau.
Bà Mai Anh cũng lưu ý đến các doanh nghiệp Việt Nam một số vấn đề khi làm việc với các đối tác nước ngoài nói chung, đó là các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường, xác định đúng mặt hàng cần kinh doanh; tiếp cận các nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, tìm hiểu kỹ các quy định, chính sách xuất nhập khẩu của các quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần kiểm tra độ uy tín, đối chiếu thông tin của đối tác và cuối cùng là chọn lựa phương thức thanh toán phù hợp để có cơ sở giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có).
Tại Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp liên quan đến thông tin, chính sách tiếp cận thị trường Ấn Độ và cách thức kinh doanh hiệu quả với các đối tác Ấn Độ và các diễn giả đã có những phản hồi hết sức kịp thời và hữu ích.