Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hợp tác phát triển trái thanh long chất lượng cao của Việt Nam

(VOH) - Thanh long là một trong những loại cây ăn trái quan trọng đóng góp 70% vào giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây Việt Nam.

Sáng 05/06 tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán New Zealand tổ chức Hội thảo về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp, lộ trình cho trái thanh long chất lượng cao của Việt Nam.

Bà Wendy Matthews, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand cho rằng, dự án phát triển trái cây cao cấp do New Zealand hỗ trợ khoảng 5,6 triệu đô la Mỹ, từ năm 2013 đến nay thực hiện trên thanh long đã gặt hái những kết quả tốt về chọn giống, kỹ thuật trồng, bảo quản đã nâng cao chất lượng trái thanh long cho thị trường xuất khẩu cũng như nội địa.

Bà Wendy Matthews, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand đang phát biểu tại hội thảo.

Thanh long là một trong những loại cây ăn trái quan trọng đóng góp 70% vào giá trị kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây Việt Nam. Bình Thuận hiện là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước với 27.000 ha trên tổng diện tích khoảng 53.000 ha thanh long của cả nước. Năm 2018, sản lượng thanh long đạt trên 1,2 triệu tấn. Dự kiến đến 2020, kim ngạch xuất khẩu riêng ngành trái cây đạt 3,6 tỷ đô la Mỹ.

Các chuyên gia của các Viện liên quan trong dự án đã thực hiện chọn tạo và chọn lọc giống thanh long. Đến nay đã chọn được 3 dòng thanh long với kiểu hình ruột đỏ, ruột hồng và ruột trắng, có vị ngọt và thơm ngon hơn so với các dòng thanh long khác trên thị trường.

Ngoài ra, các dòng thanh long mới còn có khả năng đề kháng với bệnh nấm đốm nâu. Dự án cũng thực hiện mô hình kiểu trồng thanh long trên dàn chữ T, đã khắc phục những nhược điểm của trồng thanh long trên trụ thẳng đứng.

Cụ thể là dễ cơ giới hóa, cắt tỉa cành cho cành hữu hiệu cao, làm thông thoáng, hạn chế mầm bệnh và các côn trùng gây hại... và xây dựng, cải tiến hệ thống rửa áp lực trong sơ chế và bảo quản thanh long để kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế nấm bệnh gây hại trong quá trình vận chuyển, bảo quản và đưa ra thị trường...

Bà Trần Thị Oanh Yến, Chuyên gia Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: "Chúng tôi đã chọn lọc được 3 cá thể lai có khả năng tốt nhất đưa giống ra thị trường.Chúng tôi muốn tăng hương vị, đầu tiên chúng tôi chú ý đến chất lượng. Một trái thanh long tăng chất lượng tốt hơn và có hương nhẹ để hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Thứ hai, chúng tôi tạo ra giống có màu sắc vỏ và thịt quả khác nhau. Với màu sắc vỏ và thịt quả khác nhau để chúng ta có thể đa dạng hóa thị trường thanh long và góp phần cạnh trnah với các nước khác. Nền công nghiệp thanh long đang tăng trưởng nhanh chóng, vì vậy chúng ta có tiềm năng rất lớn cho các giống mới và có bản quyền."

Nông dân Nguyễn Văn Tình, ở Chợ Gạo, Tiền Giang, tham gia mô hình trồng thanh long chất lượng cao trên trụ chữ T xác nhận: "Hơn 2 năm tham gia mô hình này, vấn đề quàn lý bệnh đốm nâu đỡ tốn chi phí bệnh hơn, vừa ít bệnh hơn và cành thanh long mập hơn so với trồng bình thường. Hơn nữa năng suất tùy theo thời điểm chăm sóc có thể tăng 2 đến 3 lần so với kiểu truyền thống."

Tại hội nghị, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá: "Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều chương trình, dự án đã và đang triển khai rất có hiệu quả.

New Zealand đã hỗ trợ cho Việt Nam thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, về đào tạo, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, xây dựng các phương pháp luận quan trọng phục vụ cho đầu tư và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đơn cử là một hợp tác song phương giữa Việt Nam và New Zealand trong phát triển giống thanh long chất lượng cao."

Hội nghị cũng thảo luận về bản quyền, bảo hộ và thương mại hóa giống cây trồng.

Bình luận