Dẫn đầu đoàn 15 Doanh nghiệp Nhật bản dự Triễn lãm Metalex Việt Nam 2017 tại TP HCM, ông Iku Hara - Giám đốc phát triển thị trường ngoài nước, Phòng Thương mại Công nghiệp Tokyo - đã trả lời phỏng vấn các Báo, Đài trung ương và thành phố. VOH giới thiệu cùng đọc giả.
Ông Iku Hara mặc áo đen ngồi giữa tại buổi họp báo. Ảnh: Vũ Sơn
*Phóng viên: Ông giới thiệu một số thông tin của đoàn Doanh nghiệp Tokyo đến triển lãm Matalex 2017 lần này ?
Ông Iku Hara: Đoàn lần này tham dự có 15 doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế tạo máy. Mục tiêu các doanh nghiệp là gặp gỡ giao lưu, phát triển các mối quan hệ thương mại mới với các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn. Nếu hoạt động phát triển tốt đẹp, tôi hy vọng sẽ có các thành tựu xa hơn trong tương lai. Chúng tôi mong muốn đây là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt nam hợp tác về công việc, đầu tư trực tiếp... để liên kết, mở rộng kênh bán hàng ra khu vực ASEAN.
*Phóng viên: Kỳ vọng của doanh nghiệp Nhật Bản lần này đối với thị trường Việt Nam như thế nào? Doanh nghiệp địa phương có kế hoạch dài hạn ở Việt Nam?
Ông Iku Hara: Thị trường Việt Nam đang có tốc độ phát triển tương đối cao trên 6%. Với một thị trường như vậy thì không chỉ các doanh nghiệp đi theo lần này mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay chưa có ngay lập tức kế hoạch xây dựng nhà máy, xưởng ở Việt Nam. Qua các hoạt động triển lãm, hy vọng sẽ xây dựng các mối quan hệ sâu sắc và bền vững với doanh nghiệp tại TPHCM.
*Phóng viên: Hiện tại mức độ liên kết giữa doanh nghiệp Việt và Nhật như thế nào? Đến thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp Nhật kỳ vọng gì?
Ông Iku Hara: Hiện nay một số hoạt động liên kết giữa hai nước có thể thấy ngay như xây dựng hạ tầng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn phát triển rộng và có chiều sâu, tăng cường hơn mối quan hệ giữa hai bên.
Kỳ vọng đối với thị trường Việt Nam tập trung vào lĩnh vực sản xuất chế tạo. Thời gian tới, chúng tôi muốn triển khai thêm các hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ tại thị trường Việt Nam.
*Phóng viên: Để có thể đẩy mạnh liên kết sản xuất chế tạo thì các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu thế nào từ phía Nhật ?
Ông Iku Hara: Trong hoạt động cụ thể giữa một doanh nghiệp Nhật Bàn và Việt Nam nói riêng thì chưa nắm bắt cụ thể, tuy nhiên, chúng tôi thấy việc cung cấp thông tin và nội dung ký kết thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, hành lang pháp lý...khó nắm bắt, khó hiểu đối với doanh nghiệp Nhật bản. Trong góc độ này, chúng tôi cho rằng cần phải cải tiến để các doanh nghiệp đến với nhau dễ hơn, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa hai bên là điều quan trọng.
Khách tham quan một gian hàng tại triễn lãm Metalex 2017.
*Phóng viên: Hiện nay, các sản phẩm, thiết bị công nghệ tại Việt Nam xuất phát từ Nhật rất được ưa chuộng. vậy thì giới chức và các doanh nghiệp Nhật đã tận dụng cơ hội và lợi thế như thế nào? Có chính sách thế nào để khai thác tốt lợi thế này?
Ông Iku Hara: Đối với các sản phẩm, công nghệ của Nhật được Việt Nam ưa chuộng, quan điểm chúng tôi quan hệ qua lại phải dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi, đồng thời không chỉ giao lưu trao đổi sản phẩm mà cần thiết phải tăng cường các giao lưu văn hóa – du lịch, hiểu nhau hơn.
*Phóng viên: Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Việt Nam (JVEPA) có hiệu lực từ 2008. Kế hoạch của Chính quyền Tokyo để xúc tiến kinh doanh, thương mại giữa các nhà sản xuất của 2 quốc gia, đặc biệt từ năm 2019 và 2025 khi thuế sản phẩm công nghiệp được giảm về 0% là gì?
Ông Iku Hara: Đối với thời điểm này, trong hàng rào thuế quan trở về 0% của hai nước thì chưa có hoạt động cụ thể, chi tiết tuy nhiên trong kế hoạch thì hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài mà tiếp tục mở rộng hoạt động triển khai vốn và hợp tác kỹ thuật cho doanh nghiệp để mở rộng sâu hơn quan hệ với doanh nghiệp ở các nước.
JVEPA giữa hai nước sau khi được ký kết vào năm 2008, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt trong các ngành chế tạo liên quan đến xe hơi, điện tử, điện máy đang tăng lên vững chắc. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, giao dịch trong ngành chế tạo giữa 2 nước sẽ được đẩy mạnh.
*Phóng viên: Hiện nay ngành sản xuất tại Việt Nam còn hạn chế, khi doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam bán hoặc sản xuất ở Việt Nam thì tạo vấn đề giá cả hàng hóa khá cao, khó tiếp cận thị trường trong nước. Giới chức Nhật Bản có hỗ trợ gì?
Ông Iku Hara: Doanh nghiệp Nhật qua đây xây dựng nhà máy sản xuất còn có hướng ủy thác cho doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp Việt sản xuất được đồng thời doanh nghiệp Việt cũng đã có những kênh phân phối hiệu quả rồi. Trên hình thức hợp tác như vậy sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.
*Phóng viên: Cảm ơn ông.