Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2018: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 6,7%

(VOH) - Với 417 đại biểu nhất trí, đạt tỷ lệ gần 85% số đại biểu tham gia biểu quyết, sáng 10/11, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2018 đã được Quốc hội thông qua.

Đây là Nghị quyết đầu tiên được thông qua, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp lần thứ 4 này. Nghị quyết cũng xác định một số chỉ tiêu chủ yếu như tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 đạt 6,5 - 6,7%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%. 

Kế hoạch cũng xác định tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%. Về y tế, phấn đấu số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 85%.

Để thực hiện đạt những mục tiêu đề ra, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho hay, Quốc hội đã tán thành một số nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra: "Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách nhà nước. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số".

Ảnh minh họa - Nguồn: Baomoi

Báo cáo giải trình, tiếp thu một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,7%, cả ba khu vực tăng trưởng khá đồng đều, nhưng cần tiếp tục quan tâm thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đạt được kết quả bước đầu song chưa chuyển biến rõ ràng. Nợ công vẫn có xu hướng tăng nhanh. Năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực hiện còn chậm, cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt kế hoạch đề ra, còn có tồn tại, hạn chế; việc xử lý, khắc phục 12 dự án thua lỗ còn khó khăn; có thể phát sinh thêm các dự án thua lỗ mới. Tình trạng kê giá, chuyển giá, lỗ giả xảy ra ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng chưa được xử lý nghiêm.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết thêm: "Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi của chỉ tiêu Tăng trưởng kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, nước ta vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Năm 2017, một số ngành, lĩnh vực đã đạt mức tăng trưởng khá cao, năm 2018 khó tiếp tục đạt được mức tăng này.

Mặt khác, chỉ tiêu tăng GDP năm 2018 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2017 đạt 6,7% và dự báo các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn với bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ công, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm…, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết."

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo và tổng kim ngạch xuất khẩu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, ông Vũ Hồng Thanh chỉ rõ: "Tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo cần được tính toán trên cơ sở phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước. Với xuất khẩu phụ thuộc vào tăng trưởng đầu tư, thương mại của kinh tế thế giới và khu vực, xu hướng bảo hộ ở các nước tiếp tục gia tăng, các nước nhập khẩu lớn đưa ra nhiều rào cản thương mại nên khó tăng cao về số lượng, trong khi mặt bằng giá thế giới hiện nay đã tương đối cao và khó tăng tiếp.

Do vậy, xin đề nghị Quốc hội cho giữ các tỷ lệ này như dự thảo Nghị quyết, đồng thời yêu cầu Chính phủ chỉ đạo điều hành để phấn đấu đạt và vượt nếu điều kiện cho phép".

Cũng trong buổi sáng 10/11, các đại biểu đã nghe Tờ trình về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Đo đạc và bản đồ và thảo luận ở tổ về nội dung Luật này.