Sáng 11/12, tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn diễn ra Lễ khai trương Công viên logistics Viettel Lạng Sơn.
Công viên logistics có tổng diện tích hơn 143ha. Tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng thông quan khoảng 1.500 xe/ngày.
Công viên xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, giúp giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ.
Chi phí thông quan giảm 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết Lạng Sơn giữ vai trò cửa ngõ chiến lược kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) - trung tâm logistics nông sản hàng đầu của Trung Quốc và 5 tỉnh phía Bắc Việt Nam; là cầu nối giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc.
Giao thương biên giới Việt - Trung, đặc biệt giữa Quảng Tây và Lạng Sơn đang phát triển mạnh mẽ, trở thành khu vực logistics đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Vì thế, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi giao thương qua các cửa khẩu trên địa bàn.
Ông Thiệu đánh giá Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh, giúp tối ưu hoạt động vận tải, giải quyết tình trạng quá tải tại một số cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm trong chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia của Tập đoàn Viettel, có vị trí thuận lợi cho kết nối hàng hóa xuyên biên giới; tích hợp công nghệ toàn diện, tối ưu thời gian chi phí….
Sắp tới, Viettel sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; Trung tâm logistics nông sản; Trung tâm logistics trong khu công nghiệp; Hạ tầng chuỗi cung ứng; Mạng lưới vận tải đa phương thức; Tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực.