Nhà máy có tổng công suất trên 151MW, được coi là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam, với tổng mức đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng, công ty đã phối hợp với các đối tác có năng lực và chuyên môn hàng đầu thế giới như Công ty Enercon (Đức), Sany… cung ứng các turbine của dự án điện gió thuộc thế hệ công nghệ không hộp số, với ưu điểm có thể hoạt động với tốc độ gió thấp từ 2 -2,5m/s, khả năng đón gió có vận tốc trung bình 7,1 m/s. Đây là loại turbine trên đất liền có công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Nhờ lựa chọn các thiết bị tiên tiến mà các chỉ tiêu về diện tích chiếm đất xây dựng giảm xuống chỉ còn 0,14 ha/MW, góp phần đáng kể trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Ông nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nam cho biết, đầu tư điện gió khó khăn và thách thức hơn rất nhiều so với điện mặt trời, vì tất cả các thiết bị siêu trường siêu trọng, các loại xe chuyên dụng để chở thiết bị từ cảng về đến công trường, lắp đặt thiết bị trên độ cao 100-135m với cấu kiện trên cao hơn 100 tấn, đòi hỏi sự an toàn và kỹ sư công nhân có tay nghề cao mới làm được. “Chúng tôi tự hào là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đưa hơn 152MW điện gió vào vận hành trong ngày hôm nay”, ông Thịnh nói.
Trước đó, Trung Nam Group đã đưa vào vận hành 2 dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, kết hợp với nhà máy điện mặt trời này, hình thành tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư cả hai nhà máy hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tổ hợp năng lượng tái tạo này được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia, thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm, có tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh mỗi năm, không chỉ góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ nắng và gió tại tỉnh Ninh Thuận mà còn góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 55 của Bộ Chính Trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng rằng, công ty sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Trong quá trình vận hành nhà máy, đề nghị chủ đầu tư tiếp tục ưu tiên tuyển dụng lao động của địa phương; tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Chúng tôi cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu và đầu đưa dự án tại tỉnh’.
Dịp này, Trung Nam Group cũng tài trợ Chương trình phát triển năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tỉnh Ninh Thuận, thể hiện sự quan tâm của Trung Nam Group đến việc xây dựng và nâng cao văn hóa, xã hội, giáo dục tại địa phương, nhân dịp đợt hoạt động kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 – 16/4/2021).