Khi thị trường Châu Âu đã rộng mở: Cần làm gì để bước vào sân chơi EVFTA (Phần 2)

(VOH) - “Cần làm gì để bước vào sân chơi EVFTA” với những nhận định của chuyên gia về lợi thế và thách thức từ hiệp định EVFTA khi cánh cửa vào thị trường Châu Âu đã rộng mở.

Các vị khách mời là ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam và PGS-TS Nguyễn Văn Trình - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phân tích cụ thể hơn về một số ngành hàng, lĩnh vực cần quan tâm cũng như vai trò của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong sân chơi EVFTA, qua phần 2 Tọa đàm: “Cần làm gì để bước vào sân chơi EVFTA” của VOH.

*VOH: Về câu chuyện của ngành lúa gạo, chúng ta có thể ghi nhận ít nhiều lo lắng từ các doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật cũng như các đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Là người trong cuộc xin mời ông Đỗ Hà Nam chia sẻ thêm thông tin cũng như có nhận định về thực tế này

Ông Đỗ Hà Nam: Có thể nói vấn đề rào cản kỹ thuật không chỉ riêng ngành lúa gạo, ngành nông sản Việt Nam nói chung, đây thực sự là vấn đề lớn, thực sự các doanh nghiệp rất lo lắng, chứ không phải bình thường. Phải nói rằng có những sản phẩm khi chúng ta chế biến sâu, cộng với chúng ta có chương trình VietGap, chương trình hữu cơ bền vững, đây là những chương trình giúp sản phẩm chúng ta trở nên an toàn hơn và được chấp nhận ở châu Âu.

Ông Nguyễn Văn Hậu: Khi tôi tham dự các phiên xử những vụ tranh chấp về thương mại, tôi thấy nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng không tham vấn, tư vấn của luật sư, do đó khi ra tranh chấp chúng ta thua nhiều hơn. Bởi vì trong quy định pháp luật khi xuất hàng có nhiều luật như: luật thương mại, luật xuất nhập khẩu. Thứ hai là về chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, bên họ có đội ngũ tư vấn pháp lý rất chặt chẽ, tất cả hợp đồng đều qua luật sư trước khi ký với mình. Cho nên mình phải tập thói quen tư vấn pháp luật trước khi ký, thì sẽ đảm bảo. Và khi tranh chấp xảy ra, hiện nay chúng ta có luật trọng tài thương mại, thì mình có thể chọn Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, hoặc trung tâm trọng tài có tiếng quen xử những vụ việc này. Cũng xin lưu ý phán quyết của mình được 154 nước trên thế giới công nhận, và ngược lại phán quyết của họ mình cũng được công nhận.

*VOH: Thưa PGS-TS Nguyễn Văn Trình, theo ông thì đâu là định hướng và giải pháp chủ lực nhằm khơi dậy tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của TPHCM?

PGS-TS Nguyễn Văn Trình: Hướng sắp tới, chúng ta sẽ tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA mang lại. Chúng tôi muốn nói đến một số mặt hàng TPHCM có lợi thế cũng như bất lợi thế. Thứ nhất, là ngành dệt may xuất khẩu của TP, vấn đề bán sản phẩm qua cho thị trường EU ngành dệt may đã quen hết rồi. Tuy nhiên, khi có EVFTA thì họ được lợi thế hơn về thuế suất, đây sẽ là việc giúp tăng được tính cạnh tranh của các mặt hàng khác, của các thị trường khác vào EU. Tuy nhiên, để nâng cao hơn tính cạnh tranh của mặt hàng dệt may xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chú ý, phải tiếp tục đầu tư hơn vào chiều sâu để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, để mình có thể mở rộng và giữ vững thị trường này. Thứ hai, các doanh nghiệp phải tiến hành ngay việc kiểm tra chất lượng ngay tại Việt Nam. Một điểm nữa, trước đây các nguyên phụ liệu phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, thì bây giờ các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư ngay trong nước.

*VOH: Một yếu tố quan trọng không kém chính là vai trò dẫn dắt của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và cả những chính sách cụ thể. Vào thời điểm này, ông Đỗ Hà Nam nhận định đâu là điều mà các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trông đợi từ các Bộ ngành chức năng trong định hướng, hỗ trợ cho sân chơi EVFTA?

Ông Đỗ Hà Nam: Chúng ta thấy rằng là 2 Bộ quan trọng nhất là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với Bộ Công thương thì chúng ta hiểu rằng để doanh nghiệp vào được các thị trường EU và hiểu được thị trường EU một trong những điều đầu tiên là xúc tiến thương mại. Thứ hai là các tham tán thương mại tại các nước EU thì họ nắm rất chắc về luật lệ, quy định của từng nước trong EU trong quá trình quản lý, cũng như luật chung của Châu Âu trong thực hiện, vậy thì sự hỗ trợ này của tham tán thương mại vô cùng quan trọng, vai trò của Bộ Công thương khi chỉ đạo các tham tán thương mại về vấn đề này như thế nào? Một vấn đề nữa phải hiểu rằng, tranh chấp hợp đồng, rủi ro từ các doanh nghiệp có uy tín và không uy tín tại Châu Âu, chứ chúng ta cũng không nên nghĩ rằng ở Châu Âu chỉ có doanh nghiệp uy tín, vẫn có doanh nghiệp không uy tín, có rủi ro bị phá sản, thì những hoạt động rủi ro như vậy cần được cảnh báo.

*VOH: Tiếp theo xin lắng nghe ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu về vấn đề này. Theo ông thì Chính phủ, Bộ ngành chức năng cùng các địa phương cần phải hành động ra sao cho cuộc đua “nước rút” vào thị trường EU dưới sự dẫn dắt của Hiệp định EVFTA:

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hiệp định EVFTA đòi hỏi hệ thống pháp luật của chúng ta phải điều chỉnh lại, tuy nhiên về cơ bản thì việc này phải phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của chúng ta và đổi mới mô hình tăng trưởng của chúng ta. Và chúng ta cần phải nhanh chóng rà soát sửa đổi những khung pháp lý làm sao cho phù hợp điều kiện áp dụng hiện hành. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ nhà nước ở địa phương phải nắm được vấn đề này; Cải thiện môi trường đầu tư, cũng như kinh doanh, thể chế ổn định minh bạch. Giải pháp này cần sự hỗ trợ đồng bộ của nhà nước và doanh nghiệp bằng kế hoạch dài hạn, bài bản. Ngoài ra, cần có cơ chế cảnh báo để doanh nghiệp phòng tránh những vụ kiện trong phòng vệ thương mại. Song song đó, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu của quốc gia Việt Nam chúng ta.

*VOH: Theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, bên cạnh sự chủ động bắt buộc phải có từ Chính quyền TPHCM cùng các doanh nghiệp Thành phố thì chúng ta cần những sự hỗ trợ nào từ cấp Trung ương để có được điều kiện tốt nhất nắm bắt cơ hội từ Hiệp định EVFTA:

PGS-TS Nguyễn Văn Trình: Riêng ở TPHCM thì các Bộ ngành theo tôi cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp của TPHCM. Tuy nhiên, họ hỗ trợ ở góc độ vĩ mô, ở góc độ làm chính sách thôi, chứ cũng không thể nào trực tiếp hỗ trợ được. Ở đây có vai trò của một đơn vị Trung ương có thể hỗ trợ doanh nghiệp TPHCM tiếp cận và vượt qua thử thách của EVFTA là Phòng công nghiệp thương mại Việt Nam, cần chủ động phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại của TPHCM cũng như Hiệp hội của doanh nghiệp TPHCM để phối hợp với các Hiệp hội quốc tế khác ở khu vực, cũng như trên thế giới đến TPHCM trực tiếp  trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, tiếp cận đến các tiêu chuẩn cụ thể của Hiệp định này.

VOH:  Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham dự tọa đàm.

Minh Phước - Minh Hiệp - Ngọc Bích 

Giá vàng hôm nay 30/7/2020: Giữ mức tăng sau tuyên bố của FOMC - (VOH) – Giá vàng thế giới 30/7, giá vàng thế giới vẫn giữ mức tăng sau tuyên bố của FOMC về việc không có thay đổi lãi suất hoặc chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.

Bình luận