Kinh tế khởi sắc, nhu cầu đi lại sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, ngành hàng không phục hồi

VOH - Theo thống kê mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành hàng không Việt Nam cũng như thế giới có sự phục hồi mạnh mẽ.

Ước tính lượng khách quốc tế đi và đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng chuyến bay quốc tế cũng tăng trên 150%.

Thị trường hàng không trong những tháng cuối năm, cũng như thời gian tới được dự đoán thế nào? Các hãng hàng không Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ này? Để trả lời những câu hỏi trên, VOH Online phỏng vấn với bà Lương Thị Xuân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam.

Bà Lương Thị Xuân
Bà Lương Thị Xuân, trưởng ban tổ chức triển lãm quốc tế hàng không Việt Nam 2022 - Ảnh: InvestTV

*VOH: Bà nhận xét thế nào về sự phục hồi lĩnh vực hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay?

Bà Lương Thị Xuân: Thị trường hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, giống như chiếc lò xo bị nén lại vì Covid-19, bây giờ từ từ bung ra. Theo báo cáo mới nhất, doanh thu của các hãng hàng không lớn 6 tháng đầu năm 2023 đều tăng, do lượng người đi lại nhiều. Riêng Vietnam Airlines, doanh thu đạt hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Các đường bay quốc tế đều phục hồi tốt, nhất là đến Mỹ, Úc và châu Âu, những nơi có đông cộng đồng người Việt.

Vietnam Airlines Group bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco đã vận chuyển khoảng 11,8 triệu lượt khách cả nội điạ lẫn quốc tế, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, và chiếm 43% thị trường Việt Nam. Vietnam Airlines Group cũng chở hơn 100.000 tấn hàng hóa, chiếm 65% thị trường Việt Nam.

Dẫu vậy, bức tranh này không hoàn toàn sáng, khi 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines lỗ sau thuế là hơn 1.300 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2022. Nghĩa là ngành hàng không đã có sự cố gắng rất nhiều.

Hàng không phục hồi
Ngành hàng không Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 - Ảnh: Vietnam Times

*VOH: Theo bà, ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng và phục hồi như thế nào trong 6 tháng cuối năm, và dự đoán cho năm 2024?

Bà Lương Thị Xuân: Trong 6 tháng cuối năm 2023, tôi nghĩ rằng sự hồi phục vẫn sẽ khả quan, nhiều hơn hoặc tương đương với 6 tháng đầu năm. Người dân đi lại nhiều, nhất là du lịch nội địa và tới các nước láng giềng như Thái Lan hay Trung Quốc.

Tuy nhiên kinh tế vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ như dự kiến, do ảnh hưởng bởi xuất khẩu đi xuống, nên ngành hàng không cũng ảnh hưởng theo. Nhiều doanh nghiệp cắt giảm du lịch cho nhân viên.

Năm 2024, tôi nghĩ rằng sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Tôi tin rằng bức tranh kinh tế sẽ khởi sắc hơn, và nhu cầu đi lại sẽ có sự bức phá mạnh mẽ.

*VOH: Với sự tăng trưởng và nhu cầu như vậy, đâu là thuận lợi để lĩnh vực hàng không Việt Nam bứt phá, thưa bà?

Bà Lương Thị Xuân: Việt Nam có nhiều thuận lợi để bứt phá. Hàng không là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và nhà nước. Hiện Việt Nam có 12 sân bay quốc tế, trải dài từ Bắc xuống Nam, điều này nghĩa là hàng hóa xuất nhập khẩu có thể dễ dàng đến mọi miền đất nước.

Các sân bay quốc tế của chúng ta bao gồm: Nội Bài ở Hà Nội, Tân Sơn Nhất ở TPHCM, Đà Nẵng, Vân Đồn ở Quảng Ninh, Cát Bi ở Hải Phòng, Vinh ở Nghệ An, Phú Bài ở Huế, Cam Ranh ở Khánh Hòa, Liên Khương ở Lâm Đồng, Phù Cát ở Bình Định, Cần Thơ, và Phú Quốc ở Kiên Giang.

Một sân bay quốc tế chúng ta đang xây dựng, dự kiến sẽ là phi trường lớn nhất cả nước là Long Thành ở Đồng Nai.

Ngoài ra chúng ta còn có khoảng 10 sân bay nội địa, là: Điện Biên Phủ ở Điện Biên, Thọ Xuân ở Thanh Hóa, Đồng Hới ở Quảng Bình, Chu Lai ở Quảng Nam, Tuy Hòa ở Phú Yên, Pleiku ở Gia Lai, Buôn Mê Thuột ở Đắc Lắc, Rạch Giá ở Kiên Giang, Cà Mau, và Côn Đảo ở Vũng Tàu.

Không những vậy, chúng ta còn có khoảng 14 sân bay quân sự, trong số này phần lớn đều có thể sử dụng cho mục đích dân sự nếu cần thiết.

Mạng lưới sân bay trên là 1 lợi thế cực lớn để chúng ta phát triển ngành hàng không. Nhiều sân bay chúng ta thừa hưởng lại từ người Pháp và chính quyền miền Nam xây trước năm 1975. Còn nhớ chuyến bay đầu tiên tại châu Á, chính là ở Sài Gòn vào năm 1910. Đây là 1 trong những cột mốc đáng nhớ trong ngành hàng không thế giới. Từ đó tới nay, các sân bay liên tục được xây dựng và phát triển trên khắp cả nước, để chúng ta có mạng lưới sân bay như hiện tại.

Những năm qua, ngành hàng không được nhiều doanh nghiệp chú ý và đầu tư. Tôi nghĩ rằng đây cũng là 1 thuận lợi, 1 điểm sáng khác. Ví dụ hiện tại rất nhiều hãng bay nhà nước và tư nhân cùng hoạt động, như Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietstar Airlines, Hải Âu Aviation và Vietravel Airlines.

Các hãng hàng không cùng nhau mang đến sự cạnh tranh, thúc đẩy cải tiến chất lượng dịch vụ. Đây là điều chúng ta khó tưởng tượng được cách đây 10 năm. Tôi tin rằng trong những năm sắp tới, sẽ có thêm các hãng hàng không nữa ra đời.

*VOH: Vậy còn những khó khăn thì sao?

Bà Lương Thị Xuân: Hiện nay có không ít khó khăn, giá xăng dầu đang cao và lên xuống bất thường, do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine. Điều này giúp giảm đáng kể lợi nhuận các công ty.

Thứ 2, những sân bay hàng đầu như Tân Sơn Nhất và Nội Bài thường bị mắc kẹt do quá tải. Điều này thể hiện sự cấp bách phải có cơ chế giảm tải, như mở rộng hoặc thêm sân bay mới.

Thứ 3, các dịch vụ chăm sóc khách hàng ở sân bay của chúng ta vẫn chưa theo kịp được với thế giới. Ví dụ làm thủ tục còn lâu, chưa áp dụng nhiều hệ thống tự động giúp giảm bớt sức người và giảm thời gian chờ đợi.

Ngoài ra chúng ta cũng thiếu số lượng lớn phi công, nhất là có kinh nghiệm, cùng kỹ sư hàng không chất lượng cao. Chúng ta phải thuê từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ.

*VOH: Với sự tăng trưởng như trên, làm sao để ngành hàng không Việt Nam có thể đào tạo đủ nhân lực? Ví dụ: Kỹ sư hàng không, nhân viên mặt đất, phi công và tiếp viên?

Bà Lương Thị Xuân: Hiện nay chúng ta có nhiều trường đào tạo về ngành hàng không, như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Học viện Hàng không Việt Nam, hay Trường Sĩ quan Không quân.

Tại Học viện Hàng không, có chương trình đào tạo Tiếp viên Hàng không ngắn hạn. Ngoài ra một số hãng bay cũng có chương trình đào tạo của riêng mình.

Các trường và trung tâm có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu trong nước. Ví dụ phi công quân sự, chúng ta đã cơ bản đáp ứng được, nhưng phi công dân sự thì còn thiếu rất nhiều, nên phải sử dụng phi công nước ngoài. Ngoài ra vẫn thiếu các vị trí yêu cầu cao về kỹ thuật, như kỹ sư hàng không.

Tôi nghĩ rằng, để đáp ứng được nhu cầu hiện tại, cũng như sẽ có sự tăng trưởng cao trong thời gian tới, chúng ta cần nhiều trường về hàng không hơn. Đây là lĩnh vực rất thu hút các em học sinh sinh viên, nên tôi nghĩ nguồn nhân lực thô chúng ta có rất lớn.

Sắp tới công ty Triển lãm Hàng không Việt Nam (VIAExpo) sẽ mở 1 trường đào tạo nhân lực ngành hàng không, liên kết với 1 số đối tác Canada. Chúng tôi hy vọng có thể phần nào cung cấp nhân sự cho lĩnh vực đang rất “khát” này của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, và kinh tế đất nước nói chung.

*VOH: Cảm ơn bà về buổi phỏng vấn hôm nay!

Bình luận