Chờ...

Kinh tế xanh- Mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển bền vững

VOH - Knh tế  xanh đang là một “mắt xích” quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế  phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên, việc thực hiện kinh tế xanh đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kinh tế xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

xu-huong-phat-trien-kinh-te-xanh-tren-the-gioi

Từng bước chuyển đổi nền kinh tế xanh

Theo các chuyên gia kinh tế, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách định hướng, kế hoạch phát triển bền vững, phát triển sản xuất xanh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - nhận định: “Nhờ các chủ trương, chính sách trên, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch từ “nâu” sang nền kinh tế xanh. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, tích cực phát triển sản xuất xanh.”

Đặc biệt, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn môi trường của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, tạo ra sự tăng trưởng đột biến kinh tế thương mại quốc tế.

“Nhờ có phát triển sản phẩm xanh đáp ứng quy định của các FTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian qua đã tăng trưởng đều và vượt bậc. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu” - PGS. TSKH Phạm Ngọc Đăng khẳng định.

Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Theo Bộ Công Thương, công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời và điện gió đã đạt hàng nghìn MW, góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Chương trình phân loại rác thải tại nguồn cũng đã được triển khai tại nhiều địa phương. Ngoài ra, các dự án xử lý rác thải thành năng lượng và tái chế chất thải cũng đang được khuyến khích và đầu tư.

Việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và xe điện đã được thúc đẩy. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang đầu tư vào hệ thống xe buýt điện, xe công nghệ điện và tuyến metro nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.

Việt Nam cũng đang áp dụng các mô hình nông nghiệp bền vững, như canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón sinh học và công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhằm bảo vệ môi trường và tăng năng suất cây trồng.

Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đi đầu và thực hiện tốt chuyển đổi kinh tế xanh, điển hình như doanh nghiệp Unilever Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện tự cung tự cấp điện năng từ năng lượng mặt trời, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất. Khoảng 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học; giảm 55% sử dụng nhựa nguyên sinh; 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế. Việc áp dụng sản xuất xanh đã giúp Unilever giảm tới 28% khí nhà kính. Công ty Vinamilk hưởng ứng sản xuất xanh đã giảm phát thải được 13 - 15% tổng lượng phát thải khí CO2 hàng năm…

Những thách thức và khó khăn

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phải thực hiện nền kinh tế “xanh” 100%. Mục tiêu này đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế và với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ- Viện trưởng viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết:” Hiệp định FTA thế hệ mới đã yêu cầu phát triển bền vững, hiện nay các nước phát triển đã đặt ra các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là biên giới carbon, biên giới nhựa và biên giới về chống phá rừng trong thời gian tới. Đây là những thách thức mà thế giới đặt ra nhằm giải quyết ba cuộc khủng hoảng thương mại ngoại toàn cầu mà Việt Nam muốn tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu thì bắt buộc phải áp dụng.”

Thách thức lớn hiện nay phải kể đến là, với tỷ lệ gần 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, công nghệ, trình độ quản lý yếu kém, sẽ gặp trở ngại khi chuyển đổi sang công nghệ cao, công nghệ hiện đại…, chưa kể đến vấn đề thiếu công nghệ, tài chính cũng như nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của một nền kinh tế xanh. Việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng cần chi phí lớn và thời gian dài.

Ý thức và hành vi của một bộ phận dân cư và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và kinh tế xanh vẫn chưa cao. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng và sản xuất xanh đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Việt Nam chưa có đủ hành lang pháp lý để phục vụ phát triển kinh tế xanh; thiếu Bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá mức độ xanh hóa sản xuất; thiếu nhiều quy định cụ thể, có tính luật hóa về các tiêu chí liên quan đến mức độ xanh hóa sản xuất… Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh trong nước chưa đủ mạnh để tạo ra lực thúc đẩy sản xuất xanh như các nước phát triển, trong khi thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt cũng như yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu về “dấu vết carbon” cùng với giá thành phải đảm bảo cạnh tranh.

Giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh

 “Doanh nghiệp cần phải thực hiện đổi mới công nghệ thông qua quá trình tổ chức sản xuất, cải tiến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc là tìm những thị trường mới, đặc biệt là xuất khẩu sang Châu Âu thì cần phải có thêm những yếu tố đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ có 4 tính chất liên quan tới tính mới, tính thị trường, nguồn nhân lực cũng như là yếu tố sẵn sàng của doanh nghiệp.” Ông Chử Đức Hoàng – Chánh văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ khoa học và công nghệ khẳng định.

Chính phủ cần sớm ban hành và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp lý hỗ trợ kinh tế xanh. Đồng thời cần có các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án xanh. Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Để phát triển thị trường tài chính xanh, cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.

Tại diễn đàn Tài chính xanh năm 2024, với chủ đề ‘‘Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 22/7/2024, TS. Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết: “Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh’’

“Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan có liên quan. Đề án hiện đang ở các bước cuối cùng để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.” TS. Phạm Thu Phong thông tin thêm.

Kinh tế xanh là con đường duy nhất để Việt Nam phát triển bền vững. Đầu tư vào kinh tế xanh không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mới.

Trong tương lai, kinh tế xanh sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển chủ đạo của Việt Nam. Các chính sách và giải pháp đã được triển khai sẽ mang lại những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc thực hiện kinh tế xanh tại Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là cơ hội để đất nước phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự tham gia đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu này.