Kỳ 1: Khởi nghiệp cùng khoa học

(VOH) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu đưa TPHCM trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó, tiêu chí hiện đại phải đi kèm với sự phát triển khoa học và công nghệ một cách toàn diện, trên tất cả lĩnh vực.

Một đô thị năng động như TPHCM, nhiều người trẻ sớm nhạy bén với xu thế này và gặt hái được những thành quả đáng tự hào trong năm vừa qua. Họ là những Tiến sĩ khi tuổi đời chỉ mới 30, là những thanh niên không ngừng sáng tạo, mạnh dạn khởi nghiệp, mang sáng kiến của mình phục vụ cho cả cộng đồng...

Đi dọc con đường hơn 40km từ trung tâm TP, đến với xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, nơi những cánh đồng xanh mướt góp phần làm dịu đi cái nắng ban trưa, nơi những hàng cây dọc Tỉnh lộ 7 đung đưa như lời chào của vùng đất thép trong những ngày chớm xuân. Men theo con đường ven cánh đồng nằm sát tỉnh lộ, chúng tôi đến với một trong hai cơ sở của trại cá giống Trung Hiếu. Nếu như không khí đón Tết ở bên ngoài là những khu chợ đông đúc, là chậu hoa, câu đối đỏ, thì nơi đây, cả chủ trại và nhân công đón Tết về bằng sự khẩn trương vệ sinh ao hồ, tuyển chọn cá bố mẹ.

Nhìn đàn cá lăng nha to khỏe, vùng vẫy dưới ao, Nguyễn Trung Hiếu, chủ trại cá, tự hào khoe với chúng tôi, mô hình mà anh nghiên cứu và ứng dụng đã cho ra đời những mẻ cá rất tốt, với tỷ lệ hao hụt chỉ vào khoảng 20%, so với 70% nếu không áp dụng quy trình này. Trại cá đang cung cấp cá giống cho các trại nuôi cá lăng nha khắp miền Tây Nam Bộ.

Với sự nỗ lực không ngừng, năm qua, chàng cựu sinh viên Đại học Nông Lâm đã nhận được Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng, Bằng khen “Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi” của Thành Đoàn và mới đây nhất, Nguyễn Trung Hiếu đã vinh dự trở thành 1 trong 10 công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2016.

Tuy nhiên, với Trung Hiếu, những danh hiệu, giải thưởng không phải là kết quả, mà là nguồn động viên, khích lệ, giúp anh vững bước trên con đường còn nhiều chông gai phía trước. Nói như vậy là bởi sau gần 10 năm bén duyên và gắn bó với nghề nuôi cá, lập trang trại sản xuất cá giống, không ít lần Trung Hiếu tưởng chừng như không thể đi tiếp. Trong cuộc trò chuyện cởi mở trong xuân mới, Nguyễn Trung Hiếu đã chia sẻ rất nhiều về tâm huyết của anh, cả duyên cớ đưa anh đến với loài cá lăng nha từ lúc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học khi còn trên giảng đường Đại học Nông Lâm. Cả khoảng thời gian 2 năm sau khi ra trường, đi làm ở các trại cá để học hỏi kinh nghiệm.

Bằng ngôn từ chân chất, giản dị, anh cho chúng tôi biết về đam mê nghiên cứu, về quá trình dấn thân vào con đường khởi nghiệp của mình và điều tự hào mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy rõ trong câu chuyện của anh, chính là việc đã áp dụng thành công nghiên cứu khoa học vào thực tế, được thấy thành quả của mình. Bầy cá khỏe mạnh mỗi ngày tung tăng bơi lội dưới ao:

“Trong lúc đi học, những kiến thức, công việc khi thực tập khiến mình rất say mê, hăng hái nhưng chưa đủ thỏa mãn những đam mê nên khi ra trường mình quyết tâm dấn thân vào làm kinh tế để được trực tiếp làm những việc đó nhuần huyễn hơn. Mình cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ là nếu muốn làm việc gì thì phải mạnh dạn dấn thân”

Anh Nguyễn Trung Hiếu thành công với mô hình ép cá lăng giống cho hiệu quả cao - Ảnh: TTO

Tinh thần khởi nghiệp và đam mê nghiên cứu dù đã qua gần 10 năm vẫn không ngừng được phát huy trong người thanh niên này. Không chỉ sở hữu trang trại nuôi cá giống lăng nha duy nhất trên địa bàn huyện Củ Chi, Nguyễn Trung Hiếu còn đang ấp ủ một ý tưởng cũng chưa ai từng thực hiện, đó là làm ra sản phẩm khô cá lăng nha, sản xuất đi khắp các vùng miền của cả nước:

“Mình có dự kiến dùng con cá giống tươi sạch để sản xuất khô cá lăng. Mình thích làm những gì chưa ai làm, con đường chưa ai đi, và khi thành công thì chính mình cũng được hưởng những thành quả của sự phấn đấu”.

Cũng vượt qua những thách thức bằng chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học và tinh thần khởi nghiệp của mình, tuy nhiên, con đường của công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2016 Đoàn Thiên Phúc lại là những trải nghiệm khác hẳn.

Ý tưởng khởi nghiệp của Thiên Phúc bắt nguồn từ 1 sự cố bị kẻ xấu lấy cắp thiết bị trên chiếc xe máy mới mua khi còn là sinh viên. Từ đó, chàng trai 8x cùng nhóm bạn của mình bắt tay vào nghiên cứu và đã cho ra đời sản phẩm công nghệ chống trộm xe máy thông qua điện thoại di động, mang tên S-bike. Sau khi ý tưởng này đọat giải Nhất - ý tưởng sáng tạo sinh viên cấp trường và giải Ba cấp thành phố, Thiên Phúc mạnh dạn thành lập công ty, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm công nghệ, giúp những người xung quanh tránh được những sự cố đáng tiếc như mình từng gặp phải. Chính đề tài này cũng đã mang đến cho Thiên Phúc suất học bổng cao học tại Pháp.

Anh Đoàn Thiên Phúc và sản phẩm của mình - Ảnh: Khoinghiep

Khi quay trở về với tấm bằng Thạc sỹ, Đoàn Thiên Phúc không chỉ tiếp tục phát triển công ty mà còn trở thành người truyền lửa cho lớp đàn em với vai trò làm giám khảo, tư vấn cho nhiều cuộc thi và chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức.

Trò chuyện với Thiên Phúc, chúng tôi cảm nhận được điều mà không phải bạn trẻ nào cũng có. Đó là niềm đam mê bất tận đi kèm với vốn tri thức phong phú, đã mang đến cho chàng trai 27 tuổi này sự tự tin cần thiết để dám dấn thân. Hơn thế nữa, Đoàn Thiên Phúc đã kết nối hoạt động nghiên cứu khoa học với con đường khởi nghiệp của mình một cách rất thông minh.

Hiện nay, Thiên Phúc và các cộng sự đã cho ra đời hơn 5 dòng sản phẩm về nền tảng công nghệ, cung cấp dịch vụ cho các công ty khác như hệ thống sản xuất vé điện tử, hệ thống phát hành thẻ ngân hàng trả trước…

Một điều thú vị trong cuộc trò chuyện với Đoàn Thiên Phúc là mặc dù bản thân đã khởi nghiệp ngay từ khi mới ra trường, nhưng những gì mà Thiên Phúc đúc kết được, lại hoàn toàn ngược lại. Thiên Phúc cho rằng một người trẻ không nên vội vã khởi nghiệp ngay khi tốt nghiệp, mà cần có thời gian rèn luyện để trở thành 1 chuyên gia trong lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp.

Điều này nhằm tránh tình trạng nhiều bạn trẻ bỏ phí thời gian cho những trở ngại không đáng có, và nếu gặp quá nhiều khó khăn mà chưa đủ sức để vượt qua, thì sẽ dễ dẫn đến thất bại, khiến người khởi nghiệp dễ nản lòng:

“Mọi người hay nói là hãy đi theo đam mê của mình, nhưng với Phúc thì để đi theo tới cùng, đó còn phải là đam mê đúng nữa, điều kiện đủ chính là chúng ta phải là 1 chuyên gia trong lĩnh vực đó. Vậy liệu sinh viên mới ra trường có phải là chuyên gia trong lĩnh vực mà mình khởi nghiệp hay chưa? Đó là câu chuyện mà các bạn sinh viên phải tự trả lời.

Có những bạn vừa ra trường đã là chuyên gia trong lĩnh vực của mình thì hoàn toàn có thể khởi nghiệp, nhưng cũng có người khi ra trường, kiến thức cũng ở mức là vừa đủ, thì mình cần có quá trình rèn luyện và học tập thêm”.

Dù chọn con đường khởi nghiệp hay tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu, hoặc đầu quân cho một cơ quan, đơn vị, công ty nào, thì để có nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng vững chắc cho con đường nghề nghiệp của mình, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dù ở cấp bậc nào, bản thân mỗi sinh viên, học viên đều phải luôn tự nỗ lực. Đối với những ngành nghề thiên về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thì càng phải không ngừng cập nhật tri thức, mới mong không bị tụt hậu so với những thành tựu của thế giới.