Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ về thanh khoản, số lượng nhà đầu tư, chỉ số và vốn hóa thị trường, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Lần đầu tiên, theo thống kê của Liên đoàn giao dịch chứng khoán quốc tế - WFE, tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%, vượt qua mức 99,8% của thị trường Thái Lan.
Chỉ số VN-Index cũng thiết lập đỉnh mới với 1.500,81 điểm, cao nhất trong 21 năm hoạt động của thị trường. Vốn hóa thị trường cổ phiếu trên Sàn Giao dịch chứng khoán TPHCM vào cuối năm 2021 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ đô la Mỹ. Hơn 49.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán, tăng hơn 5 lần so với năm 2020; có 93% công ty chứng khoán hoạt động có lãi…
Tính đến hết ngày 31/12/2021, sự phát triển về số lượng sản phẩm quỹ đầu tư ETF trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HOSE với hơn 29,5 ngàn tỷ đồng giá trị tài sản ròng đang được quản lý, đã góp phần định hình thêm các chiến lược đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cũng nhìn nhận một số mặt còn hạn chế. “Được ghi nhận là một năm thành công của thị trường chứng khoán, tuy nhiên, năm 2021 vừa qua cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong việc tổ chức, vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả hoạt động giao dịch trên thị trường. Trong tình trạng quá tải hệ thống giao dịch xảy ra từ cuối năm 2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã nỗ lực, tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm từng bước khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống như: nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết tạm thời chuyển sàn giao dịch sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để giảm tải cho hệ thống”- bà Nguyễn Thị Việt Hà cho biết.
Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán MB cũng bày tỏ kỳ vọng trong năm 2022: “Tôi nghĩ rằng năm Nhân Dần sẽ là một năm rất thành công tiếp theo của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán từ năm 2021, và năm nay, tôi nghĩ rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ có nhiều thứ được hưởng lợi: Triển vọng của gói kích cầu của Chính phủ, triển vọng các doanh nghiệp niêm yết làm ăn ngày càng tốt hơn, hệ thống mới góp phần làm cho giao dịch thị trường được thông suốt, qua đó đáp ứng nhu cầu giao dịch cũng như quy mô nhà đầu tư trong tương lai. Dự báo VN- Index có thể chạm đến ngưỡng 1.750 điểm”.
Tại lễ đánh cồng khai Xuân, Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo Thành phố rất phấn khởi với kết quả đạt được của thị trường chứng khoán cũng như của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố trong năm qua.
Theo đó, năm 2021, TPHCM đã chứng kiến sự lớn mạnh của ngành tài chính, một trong 9 ngành dịch vụ của Thành phố, khi tăng trưởng lên tới hơn 8%, góp phần không nhỏ giúp TPHCM phục hồi kinh tế và hoàn thành thu ngân sách năm 2021. Năm qua, dù ảnh hưởng đại dịch nhưng Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố đã khắc phục thành công những hạn chế, nhất là tình trạng nghẽn lệnh, cũng như tiếp cận chuẩn mực quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế...
Lãnh đạo Thành phố cho rằng năm 2022, kinh tế cả nước cũng như TPHCM sẽ hồi phục và phát triển, song dịch Covid-19 chưa thể hoàn toàn kiểm soát và có khả năng tác động khó lường đến thị trường chứng khoán. Vì vậy, Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi yêu cầu: “Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố cần đẩy mạnh phương thức quản trị theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành thị trường, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung củng cố và phát triển thị trường chứng khoán cơ sở, gia tăng quy mô, tính thanh khoản của thị trường đối với việc tập trung giám sát chặt chẽ giao dịch bất thường, giám sát công bố thông tin, giám sát công ty thành viên, siết chặt kỷ cương, kỷ luật thị trường. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các tiêu chí phân bảng cụ thể theo quy mô, đánh giá tác động của phương án phân bảng đến cơ chế giao dịch và chỉ số trên mỗi bảng…”
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong năm mới, Thành phố sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên địa bàn; đưa nhiều doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu niêm yết trên thị trường chứng khoán; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, bảo đảm kỷ cương thị trường, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư làm ăn lâu dài tại TPHCM. TPHCM cũng sẽ tập trung hoàn thành Đề án xây dựng TP trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành, kiên trì bám sát sát các mục tiêu trọng điểm. Trong đó, tập trung đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX theo đúng tiến độ dự án, bảo đảm vận hành thị trường liên tục hiệu quả, an toàn về hệ thống và xuyên suốt về thông tin. Bước đầu phối hợp triển khai, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, chủ động thực hiện công tác phân bảng các công ty niêm yết.
“Tập trung ổn định thị trường, tăng cường công tác giám sát, nâng cao chất lượng công ty niêm yết về quản trị và công bố thông tin, đảm bảo thị trường an toàn minh bạch. Phối hợp để hoàn thiện các quy chế, quy trình hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển 5 năm, cũng như nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường; đặc biệt nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự đến gần với thị trường cận biên và mới nổi” - ông Nguyễn Đức Chi đề nghị.