Lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm từ 0,2% - 0,3%

(VOH) - 2017 được coi là năm khó khăn trong điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối. Cán cân thanh toán cũng được dự báo không cao so với năm trước nhưng lại chịu nhiều tác động bất lợi từ chính sách tiền tệ của các nước, áp lực từ việc tăng lãi suất của FED.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Các tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết 31/12/2017.

Phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM (Ảnh: Lệ Loan)

* VOH: Đến thời điểm hiện nay, ông có thể nhận xét gì về thị trường ngoại tệ trong nước?

- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ giá trung tâm về điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại hối. Mặc dù thời gian vừa qua có những biến động về chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn ổn định. Các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế được đáp ứng đầy đủ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo hướng Chính phủ đề ra.

* VOH: Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất của các ngân hàng hiện nay?

- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Xu hướng lãi suất hiện nay chúng tôi đánh giá khá là ổn định, đặc biệt đối với cho vay ngắn hạn. Riêng đối với cho vay trung và dài hạn thì có giảm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất đã giảm từ 0,2% - 0,3% cho vay đối với các thành phần doanh nghiệp nhỏ và vừa. Riêng đối với thành phần cho vay tiêu dùng hoặc vay với tư cách cá nhân thì mặt bằng lãi suất tương đương năm 2016.

* VOH: Có ý kiến cho rằng, nhu cầu giảm lãi suất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay rất lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc giữ cho được ổn định lãi suất đã là một thách thức. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước năm nay là cố gắng ổn định lãi suất, nếu giảm được thì tốt mà không giảm được thì nỗ lực ổn định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc giảm giá thành sản phẩm, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất này chúng tôi tập trung đối với cho vay trung và dài hạn. Nghĩa là từ bây giờ, chúng ta cố gắng giảm từ 0,5 đến 1,5% so với năm 2016 để từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, nâng cao được chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Việc giảm lãi suất hiện nay thực hiện khá đồng bộ. Vấn đề đặt ra là tín dụng trung và dài hạn của chúng ta thì chiếm tới 54,6% trong tổng dư nợ nhưng huy động vốn trung và dài hạn chỉ chiếm khoảng 13%-15% trong tổng nguồn huy động. Do đó, trong hoạt động của ngành ngân hàng đang có sự mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động và cho vay.

Chúng tôi thiết nghĩ thời gian qua, các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn để nhằm hai mục tiêu: một là có vốn để cho vay trung và dài hạn, mục tiêu cũng là để giảm lãi suất. Hai là khắc phục tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay.

* VOH: Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế và vai trò của ngành ngân hàng trong vấn đề hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ đối với thành phần kinh tế này hết sức quan trọng. Đối với TPHCM thì Ngân hàng Nhà nước đã triển khai như thế nào?  

- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Đối với TPHCM thì năm nay TP đưa ra mục tiêu thành lập 60.000 doanh nghiệp. Mặc dù nghị quyết của Thành ủy, HĐND năm nay chỉ có 50.000 doanh nghiệp nhưng UBND TP đưa ra con số là 60.000 doanh nghiệp thành lập mới năm 2017.

Đến năm 2020 thì sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi cho rằng có những cơ sở thuận lợi để hỗ trợ cho TPHCM thực hiện được mục tiêu này.

Thứ nhất, về thông tư 39 của Ngân hàng mà Nhà nước mới ban hành về quy chế cho vay của ngân hàng đối với khách hàng. Trong thông tư này quy định hiện nay chỉ có hai đối tượng được vay vốn ngân hàng, đó là thể nhân và pháp nhân. Các trường hợp như hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã… muốn vay vốn ngân hàng thì phải thông qua các cá nhân – là người đi vay, từ đó mới có thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Do đó, khi là hộ kinh doanh, tổ hợp tác, muốn vay thì phải lên doanh nghiệp mới có thể vay vốn thuận lợi hơn theo thông tư 39 này.

Thứ hai, trong chương trình kết nối doanh nghiệp, ngân hàng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này theo chúng tôi đánh giá là được tiếp cận vốn ngân hàng, được hưởng nhiều cơ chế về tín dụng ngân hàng nhiều hơn hộ cá nhân rất nhiều.

Về lãi suất, rõ ràng, hộ kinh doanh thì thiệt thòi hơn doanh nghiệp. Nếu chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Còn đối với tài sản thế chấp thì rõ ràng, doanh nghiệp có thể vay được “tín chấp”, thông qua hình thức bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoặc vay thông qua bằng hình thức thế chấp bằng các dòng tiền mà những việc này ngân hàng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp thôi, chứ hộ kinh doanh hay tổ hợp tác đều không thể được. Thậm chí là cá nhân cũng không được.

Do đó, chúng tôi thiết nghĩ, đây là những cơ sở để chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân đúng theo nghị quyết của Trung ương 5 khóa 12 vừa qua đã nêu.

* VOH : Cảm ơn ông