Làm sao để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

(VOH) - Doanh nghiệp phải làm sao để tiết kiệm chi phí, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm…?

Bài toán được đặt ra tại diễn đàn “Nâng cao năng suất – tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, được tổ chức vào 27/10.

Diễn đàn do các doanh nghiệp, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, tổ chức Lao động quốc tế bàn thảo, tìm lời giải đáp, thông qua.

Quang cảnh diễn đàn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam nổi lên như một “công trường sản xuất của châu Á”. Tuy nhiên, Việt Nam đã tập trung chuyên môn hóa vào các hoạt động mang lại giá trị gia tăng thấp với các liên kết nội địa yếu. Do đó, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục tăng trưởng như một nền tảng xuất khẩu cho chuỗi cung ứng toàn cầu về các chức năng có giá trị gia tăng thấp; hoặc tận dụng được làn sóng tăng trưởng, đa dạng hóa và thúc đẩy chuỗi cung ứng với các chức năng có giá trị gia tăng cao.

Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) là chương trình tư vấn và đào tạo với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt khắc phục những hạn chế, hội nhập sâu rộng, đồng thời tích cực và chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị gia tăng cao.

Từ tháng 6/2011 Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM đã phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) triển khai Chương trình Phát triển DN bền vững (SCORE). Tính đến nay, Chương trình đã hỗ trợ cho trên 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ; gần 30 doanh nghiệp cơ khí và dệt may với nhiều kết quả tích cực: 91% doanh nghiệp tham gia tiết kiệm được chi phí sản xuất; 61% doanh nghiệp áp dụng được phương pháp cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc; giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất; giảm 42 % tỉ lệ thôi việc của nhân viên.

Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương thông qua việc tham gia tích cực của đông đảo hội viên và của chính các hiệp hội như: Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, Hội Chế biến Gỗ & Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ Tp.HCM.

Với những thành quả đang khích lệ đó, chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình đào tạo SCORE tập trung vào mở rộng đối tượng hỗ trợ sang nhiều lĩnh vực sản xuất khác (công nghiệp phụ trợ, may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, điện-điện tử…) thông qua việc áp dụng phương pháp, kinh nghiệm đào tạo SCORE đã được phát triển và cải tiến trong giai đoạn 2011-2017.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM khẳng định trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc hỗ trợ phát triển các công cụ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững luôn được VCCI cùng các doanh nghiệp và tổ chức đối tác ưu tiên tìm kiếm và nhân rộng, cũng như giới thiệu chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua việc áp dụng hiệu quả phương pháp đào tạo Score.

Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, ngành chức năng cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp đối tác toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng phải không ngừng nỗ lực thay đổi, cải tiến dây chuyền công nghệ và nhân lực, tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam; đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.